(HTV) - Thương mại điện tử trở thành tâm điểm của hội nghị, với sự tham gia của nhiều sàn giao dịch trực tuyến và các doanh nghiệp đang tận dụng công nghệ để mở rộng thị trường.
Kết nối cung cầu không chỉ dừng lại là kết nối người mua và người bán, mà phải là kết nối nâng cao trách nhiệm các bên đối với sản phẩm. Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tại Hội nghị kết nối cung cầu TP.HCM và các tỉnh thành năm 2024, diễn ra từ nay đến ngày 29/9.
Không khí buổi Hội nghị kết nối cung cầu TP.HCM
Năm 2024, Hội nghị kết nối cung cầu TP.HCM có quy mô lớn nhất trong 12 lần tổ chức, với sự tham gia của 700 gian hàng, hơn 2.000 doanh nghiệp đến từ hơn 45 tỉnh, thành phố trên cả nước. Các gian hàng là những sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và các thương hiệu lớn tại TP.HCM. Đặc biệt, năm đầu tiên chương trình kết nối cung cầu có 04 sàn thương mại điện tử, hỗ trợ bán sản phẩm bằng hình thức livestream.
Bà Nguyễn Như Quỳnh - Giám đốc Meline Network nhận định: "Các lãnh đạo địa phương họ nhìn thấy được bán hàng trên kênh số ví dụ ticktok thị trường lớn thì từ đó bộ ban ngành có thể và đem thành ví dụ điển hình dành cho bán hàng địa phương tìm hiểu kênh bán tiềm năng, các nhà bán hàng nên tìm hiểu tận dụng traffic lần này lớn để phát triển".
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết: "Thương mại điện tử đã mở ra một cánh cửa mới cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thay vì phải mất nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm đối tác, các doanh nghiệp giờ đây có thể tiếp cận hàng triệu khách hàng thông qua các sàn giao dịch trực tuyến. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí mà còn tạo điều kiện để các sản phẩm, đặc biệt là hàng hóa đặc sản vùng miền, đến được với người tiêu dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả".
Các doanh nghiệp đang lắng nghe và chia sẻ ý kiến tại Hội nghị
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm OCOP 4 sao trở lên và các sản phẩm sản xuất theo quy trình xanh, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về hàng hóa chất lượng và bền vững. Thông qua các hoạt động kết nối, chúng tôi không chỉ tìm kiếm nguồn cung ứng mới mà còn hỗ trợ các nhà cung cấp cải thiện bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường".
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh những lợi ích khi sản xuất - phân phối - tiêu dùng cùng hành động để nâng trách nhiệm toàn chuỗi cung ứng. Theo đó, Tick xanh trách nhiệm - một tiêu chuẩn chung để kiểm soát chất lượng hàng hóa qua các hệ thống phân phối của TP.HCM sẽ là giải pháp phòng ngừa chủ động. Ngoài ra, những giải pháp hậu kết nối phải được triển khai quyết liệt.
Đồng chí Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đang phát biểu
Đồng chí Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM dự và phát biểu Lễ khai mạc Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP.HCM với các tỉnh, thành năm 2024: "Tôi đề nghị Sở Công Thương tập trung các giải pháp sau kết nối, những sản phẩm được nhà phân phối lựa chọn phải được hỗ trợ về công nợ, hồ sơ cung ứng, phương thức thanh toán, giao hàng, phương thức tồn kho, đồng thời phải tổ chức thường xuyên hơn kết nối trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, xanh, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là giúp doanh nghiệp nhận thấy tiềm năng thông qua bán hàng đa kênh, bán hàng qua mạng xã hội".
Trong khuôn khổ Kết nối cung cầu 2024, chiều nay, hội nghị "Kết nối trách nhiệm - Xây dựng chuỗi cung ứng xanh" được TP.HCM phát động với ý nghĩa "Nâng trách nhiệm hôm nay - Mạnh thế hệ mai sau". Chủ đề này kỳ vọng giúp thay đổi nhận thức từ sản xuất đến phân phối với sự tham gia tự nguyện, tự giác, chủ động nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng.