(HTV) - Khủng hoảng nhân đạo ở Sudan đang trở thành thảm họa toàn diện, và gây ra tác động đến các quốc gia khác trong khu vực.
Đây là thông tin được các quan chức Liên Hiệp Quốc công bố ngày 1/5, trong bối cảnh các thỏa thuận ngừng bắn tại nước này không được tuân thủ. Ngày càng có nhiều người dân mắc kẹt hoặc tha hương, không thể tiếp cận với các hỗ trợ cơ bản.
Các thỏa thuận ngừng bắn tại Sudan không được tuân thủ
Ở thời điểm trước cuộc giao tranh, Sudan tiếp nhận 1,13 triệu người tị nạn, khiến quốc gia này trở thành một trong những nước tiếp nhận người tị nạn chính ở châu Phi. Trong số đó có 800.000 người dân Nam Sudan, 126.000 người Eritrea và 58.000 người Ethiopia, những người này chủ yếu sống trong hai trại tị nạn ở miền Đông Sudan.
Nhưng từ khi giao tranh nổ ra ngày 15/4, khoảng 3,7 triệu người đã phải di tản trong nước, khoảng 73.000 người đã chạy sang 7 nước láng giềng của Sudan: Nam Sudan, Chad, Ai Cập, Eritrea, Ethiopia, Cộng hòa Trung Phi và Libya, và con số này có thể sẽ lên tới 800 ngàn người trong những ngày tới.
Hàng triệu người khác, vốn không đủ khả năng chi trả mức phí cần thiết để di tản khỏi vùng xung đột, đang cầm cự trong nhà, không điện, không nước, với thuốc men và thực phẩm đang cạn kiệt. Số thi thể trên đường phố cũng ngày một nhiều, dẫn đến nguy cơ cao xảy ra thảm họa môi trường.
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, giao tranh tại Sudan đã khiến ít nhất 436 người đã thiệt mạng và hơn 2100 người bị thương
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, giao tranh đã khiến ít nhất 436 người đã thiệt mạng và hơn 2100 người bị thương. Hiệp hội bác sĩ Sudan đã lên tiếng và kêu gọi chấm dứt “chiến tranh”, thành lập các hành lang nhân đạo để hỗ trợ y tế, xe cứu thương, bệnh nhân và nhân viên y tế.
Liên Hiệp Quốc cho biết họ đang nỗ lực nối lại các chương trình tiếp tế lương thực tại Sudan càng sớm càng tốt, trước hết là tại các khu vực tình hình an ninh cho phép. Tổ chức Y tế thế giới đã phân phối nhiên liệu cho các bệnh viện ở Sudan và đang làm việc để chuyển 6 container vật tư y tế bằng tàu đến cảng biển của nước này, trước mắt giải quyết tình trạng người bị thương và suy kiệt nghiêm trọng.
Giám đốc viện trợ của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths hôm qua cũng đã có mặt ở Sudan để xem xét tình hình thực tế, thúc đẩy cứu trợ lập tức cho hàng triệu người dân Sudan.
Các thỏa thuận ngừng bắn tại Sudan tiếp tục bị phá vỡ trong những ngày qua. Mới nhất vào ngày 30/4, Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) cho biết họ đã đồng ý gia hạn lệnh ngừng bắn do Mỹ - Ả Rập Xê Út làm trung gian trong 72 giờ sau khi đối thủ của họ là RSF cũng nhất trí gia hạn.
Tuy nhiên, các cuộc đụng độ giữa hai nhóm vẫn tiếp diễn và người ta nghe thấy nhiều tiếng súng trong 2 ngày 30/4 - 1/5 gần dinh tổng thống ở Khartoum.
>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình thời sự của HTV lúc 20G mỗi ngày trên HTV9