(HTV) - Hội thảo khoa học “Các cơ chế điều chỉnh biên giới carbon và tác động đối với Việt Nam” thảo luận về tác động của CBAM đối với các doanh nghiệp Việt Nam và giải pháp để thích ứng với cơ chế mới này.
Trường Đại học Ngoại thương phối hợp cùng Viện Phát triển Bền vững Quốc tế tổ chức Hội thảo khoa học “Các cơ chế điều chỉnh biên giới carbon và tác động đối với Việt Nam”. Hội thảo là diễn đàn cho các nhà khoa học, đại diện cơ quan nhà nước, nhà nghiên cứu, giảng viên, các doanh nghiệp, cơ quan hoạch định chính sách cũng như các bên liên quan khác thảo luận các vấn đề liên quan việc điều chỉnh biên giới carbon và tác động của những chính sách này tới các doanh nghiệp Việt Nam.
Hội thảo khoa học “Các cơ chế điều chỉnh biên giới carbon và tác động đối với Việt Nam”
Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) là một chính sách thuộc Thỏa thuận xanh Châu Âu. EU hiện là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn thứ 03 của Việt Nam. Do đó, các chính sách liên quan đến nhập khẩu của EU đều ít nhiều tác động đến doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá: xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, hydrogen và điện là những lĩnh vực đầu tiên chịu tác động của CBAM. Vì vậy, các doanh nghiệp này cần chuẩn bị và lên kế hoạch để đối diện với các cơ chế mới của EU.
Mặc dù, cơ chế CBAM là thách thức lớn đối với một số ngành hàng xuất khẩu nhưng đồng thời cũng là động lực để doanh nghiệp chủ động chuyển đổi xanh, hướng tới tiêu chuẩn phát triển bền vững. Việc thị trường xuất khẩu áp dụng thuế cho hàng hoá phát thải carbon không chỉ thúc đẩy các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu chuyển đổi xanh mà còn là động lực để các doanh nghiệp khác tham gia thị trường tín chỉ carbon. Đây là một thị trường giao dịch nhiều tiềm năng và sẽ sôi động trong thời gian tới, tạo thêm giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9