Giao tranh tại Sudan đã bước sang ngày thứ 6, vào ngày 20/4 theo giờ địa phương, lệnh ngừng bắn vừa đạt được đã sụp đổ, tiếng súng tiếp tục vang rền tại nhiều nơi của thủ đô Khartoum.
Người dân sơ tán tránh xung đột tại thủ đô Khartoum, Sudan ngày 19/04/2023. Nguồn ảnh: AFP
Thu mình trong nhà, người dân đang vật lộn với tình trạng mất điện và lo lắng về nguồn cung cấp thực phẩm. Anh Mahmoud Alameen - một nhà hoạt động nhân đạo tại Sudan bày tỏ: "Mọi thứ thật sự buồn thảm, tiếng gào khóc của trẻ em và các gia đình trong khu dân cư. Vào ngày đầu tiên sự việc nổ ra, không có cách nào rời khỏi Khartoum, nhưng sau đó, một số gia đình đã tìm cách rời đi. Đây là tháng Ramadan khó khăn nhất ở Sudan, điện thì mất, không thể ra khỏi nhà khi ngoài kia người ta không phân biệt ai là lính ai là dân thường".
"Tình hình hiện tại là không điện, không nước. Việc ra ngoài mua đồ là quá nguy hiểm. Gia đình tôi đang dùng nhờ hàng xóm - họ vẫn cầm cự được, nhưng sẽ sớm không thể cung cấp cho tất cả cư dân. Điều mà mọi người lo lắng hiện giờ là mất an ninh. Các nhóm vũ trang tấn công lẫn nhau, cướp bóc gây khiếp sợ cho người dân", anh Motaz Suliman - nha sĩ tại Sudan cho biết.
Bộ Y tế Sudan ước tính ít nhất 270 người đã thiệt mạng và 2.600 người bị thương kể từ khi giao tranh nổ ra, nhưng không đưa ra cụ thể con số dân thường và binh lính thiệt mạng. Trong số 34 bệnh viện ở thủ đô, 9 bệnh viện đã bị trúng đạn pháo số còn lại sẽ phải đóng cửa do thiếu điện, nước hoặc bị hư hại do đạn pháo. Hiệp hội Bác sĩ Sudan cho biết, hiện không có bệnh viện nào hoạt động đủ chức năng tại thủ đô Khartoum.
Các nước láng giềng Ai Cập và Cộng hòa Chad đã đóng cửa biên giới với Sudan, sau khi hàng ngàn người Sudan đổ về khu vực này, tìm kiếm sự bảo vệ. Nhiều quốc gia khác cũng đang thúc đẩy công tác sơ tán công dân khỏi Sudan.
Martin Griffiths, Phó Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp, cho biết cuộc giao tranh đã "đóng cửa hoàn toàn" công tác hỗ trợ tại quốc gia này. Các đơn vị của tổ chức nhân đạo của Liên Hiệp Quốc cũng như Tổ chức từ thiện “Bác sĩ không biên giới” đã không thể di chuyển, với nguồn cung vật tư bị những nhóm có vũ trang cướp phá và không xác định được còn tồn kho những gì. Chương trình Lương thực Thế giới cũng đã đình chỉ hoạt động viện trợ lớn nhất tại Sudan sau khi ba nhân viên của tổ chức này thiệt mạng.