Giảm lãi suất: Doanh nghiệp chưa tiếp cận được đã lo lạm phát?

HỒNG DIỄM - THÁI PHƯƠNG - XUÂN HẠO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 8/4/2023, 14:00

(HTV) - Hàng loạt ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm 0,3-0,5% loạt lãi suất điều hành từ đầu tuần này.

Trong bối cảnh số lượng doanh nghiệp vay vốn với gói tín dụng lãi suất giảm chưa nhiều đã xuất hiện lo ngại áp lực lạm phát. 

Tréo ngoe nhu cầu và điều kiện vay vốn 

Theo các hiệp hội doanh nghiệp, hiện một số doanh nghiệp đã vay được với lãi suất ở mức từ 9-10%. Tuy nhiên, số lượng không nhiều. Điều tréo ngoe hiện nay là: doanh nghiệp đủ điều kiện lại không có nhu cầu vay vốn do "khát" đơn hàng, còn doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lại không đáp ứng được điều kiện cho vay từ phía ngân hàng. Chẳng hạn như: để vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải có vốn đối ứng. Vốn vay càng dài thì khoản đối ứng càng lớn. Với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là 1 trở ngại lớn, bởi lẽ, trung bình vốn chủ sở hữu của 1 doanh nghiệp ở khu vực này chỉ khoảng 11 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam 

 "Vướng về thể chế, chính sách, điều kiện cho vay. Nếu quan tâm đến doanh nghiệp vừa và nhỏ thì điều kiện cho vay phải giảm xuống.  Cái này phải có luật thì Ngân hàng Nhà nước mới chỉ đạo Ngân hàng thương mại cho vay được, vì vướng điều kiện nên muốn cho vay cũng không được", Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phân tích.

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng các ngân hàng "nới" điều kiện cho vay

Liên quan đến điều kiện vay vốn, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng cần nới lỏng hơn nữa quy định về thế chấp, định giá tài sản. Có như thế, doanh nghiệp mới có thể tiếp cận vốn. "Ví dụ như hiện nay chúng tôi tồn kho vật tư, nguyên liệu, tồn kho thành phẩm chưa tiêu thụ được thì chúng tôi có thể thế chấp bằng những hàng hóa tồn kho này để có thể giải quyết cái dòng vốn trước mắt như trả lương cho công nhân rồi các cái khoản thanh toán khác", Chủ tịch HUBA đề xuất. 

Lãi suất liên tục giảm tạo áp lực cho lạm phát?

 Trong bối cảnh vẫn chưa có sự 'khớp' nhau giữa doanh nghiệp và ngân hàng, việc Ngân hàng Nhà nước 2 lần giảm lãi suất điều hành liên tiếp tạo ra lo ngại về nguy cơ lạm phát. Bởi theo lý thuyết, khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất hành điều hành, các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay đồng nghĩa lượng cung tiền ra thị trường lớn, tạo áp lực cho lạm phát. Tuy nhiên đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM khẳng định: hiện tại lạm phát vẫn nằm trong diện kiểm soát, không đáng lo ngại. 

"Chỉ số CPI Quốc hội đặt ra trong năm 2023 là 4,5%. CPI quý 1 là 4,18%, riêng tháng 3 CPI còn giảm 0,18%, điều này đồng nghĩa chúng ta đang kiểm soát tốt lạm phát và diễn biến kinh tế vĩ mô tích cực. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành là hoàn toàn hợp lý, đây là phản ứng chính sách phù hợp, tích cực. Xu hướng lãi suất là ổn định và giảm để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nhận định. 

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM 

Tiến sĩ Ngô Ngọc Quang, Giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đang thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, vừa giảm lãi suất nhưng mà không quá bơm tiền vào trong thị trường, những chính sách tín dụng đang nới rộng một cách từ từ, đây là một tín hiệu tốt. 

Tiến sĩ Ngô Ngọc Quang, Giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM

"Tôi tin rằng về định hướng, về phương pháp đúng đắn, việc chúng ta cần việc thực hiện quyết liệt và hiệu quả để khiến cho người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tiếp cận dòng tiền để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và không ảnh hưởng nhiều tới lạm phát", chuyên gia đến từ Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đánh giá. 

Phần lớn các NHTM đều giảm lãi suất huy động, đưa mặt bằng chung về mức dưới 9%

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí đầu vào, trên cơ sở đó giảm chi phí đầu ra, giảm lãi suất cho vay bền vững. 

Ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết: "Ngân hàng sẽ đưa ra các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp; đặc biệt tập trung các chương trình tín dụng vào nhóm ngành là động lực tăng trưởng kinh tế". Trên cơ sở sử dụng đa biện pháp như thế sẽ tạo ra một hiệu ứng đồng bộ, vừa đảm bảo sử dụng các công cụ chính sách khác, vừa ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát mà vẫn hỗ trợ cho nền kinh tế".

Đối với đề xuất giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp, trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang nghiên cứu chính sách để tạo cơ sở pháp lý cho các ngân hàng thương mại thực hiện. Tuy nhiên, việc giãn, hoãn nợ phải được nghiên cứu kỹ lưỡng cả về đối tượng lẫn mức độ, để vừa hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa đảm bảo an toàn cho các ngân hàng. 

 

Ý kiến của bạn: