(HTV) - Năm 2023 có thể là năm có nhiệt độ trung bình tăng cao do tác động của biến đổi khí hậu và sự trở lại của hiện tượng El Nino.
Cảnh báo trên vừa được các nhà khoa học khí hậu Liên minh Châu Âu đưa ra trong báo cáo mới nhất đánh giá các hiện tượng khí hậu cực đoan ngày 20/4.
Hạn hán kéo dài và nắng nóng vào mùa hè năm 2023 đang chuyển biến thành hiện tượng thời tiết cực đoan thất thường. Nhiều khu vực rộng lớn của hàng chục quốc gia trong tuần qua đã ghi nhận các kỷ lục về nhiệt độ bị phá vỡ và hiện chưa có dấu hiệu suy giảm.

Đông Nam Á, một số quốc gia đã công bố nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận trong tuần này. Nhiệt độ lần đầu tiên trong lịch sử của Thái Lan lên tới 45 độ C. Đặc biệt, chỉ số đo lường cảm giác về nhiệt độ đã đạt mức 54 độ C tại một số nơi như Bangna, Chon Buri và Phuket trong ngày 23/4. Và dự báo nhiệt độ ngoài trời có thể đạt mốc 52,3 độ C những ngày tới. Lào phá kỷ lục nhiệt độ cao nhất: 42,9 độ C. Myanmar cũng lập kỷ lục nhiệt độ với 44 độ C ghi nhận ngày 17/4.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang trải qua nhiệt độ trên 30 độ C, mức cao bất thường trong mùa. Mùa hè cũng bắt đầu đáng lo ngại tại Trung Quốc, khi hơn 100 nơi thuộc 12 tỉnh nước này phá kỷ lục nhiệt độ trong tháng 4. Thông thường, khoảng thời gian nóng nhất mùa Hè tại Trung Quốc thường rơi vào tháng 6 và tháng 7.
Tại khu vực Nam Á, Pakistan, Ấn Độ, Nepal và Bangladesh đều có nhiệt độ lên tới 40°C. Riêng Bangladesh ghi nhận 40,6 độ C, nhiệt độ cao nhất trong sáu thập kỷ qua. Nước này đã buộc phải cắt điện hàng triệu người dân ngay cả khi nhu cầu tăng vọt do lễ hội Ramadan. Trong khi đó, nắng nóng gay gắt ở Ấn Độ đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, sau khi tham dự một sự kiện ngoài trời không có mái che. Bộ Lao động Ấn Độ đã đưa ra khuyến cáo cho tất cả các bang và khu vực nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động. Đặc biệt là những người lao động ngoài trời và thợ mỏ - trong điều kiện nắng nóng gay gắt.

Trong khi đó, với nền nhiệt trung bình cao hơn từ 15 - 16 độ C, cả Châu Âu cũng trải qua một mùa đông nóng và hạn hán kéo dài. Đặc biệt, Italia đang phải trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng năm thứ hai liên tiếp. Đây là tồi tệ nhất trong suốt 70 năm qua. Năm nay, sau mùa đông với lượng tuyết rơi ít trên dãy núi Alps, trữ lượng nước trong vùng chỉ bằng một nửa so với mức bình thường vào thời điểm này mọi năm.
Hiệp hội nông nghiệp Italia Coldiretti cho biết hạn hán đã làm thiệt hại khoảng 6 tỷ euro (tương đương 6,6 tỷ đô la) trong năm 2022 và dự đoán 300.000 doanh nghiệp sẽ còn gánh chịu thiệt hại nhiều hơn trong năm nay. Các chuyên gia cho rằng sẽ cần lượng mưa "gần như không ngừng" từ nay cho đến tháng 5 và tháng 6 tới, thời điểm hầu hết nông dân bắt đầu tưới tiêu cho đồng ruộng của họ.
Hiện mực nước ở hồ Garda thấp hơn một nửa so với mức bình thường. Tháng trước, Thủ tướng Italia Giorgia Meloni đã thành lập một văn phòng giám sát công suất nước trên toàn quốc.
Ramona Magno - Nhà Nghiên Cứu cho biết: "Hậu quả của một đợt hạn hán kéo dài như vậy thì ai cũng thấy. Các hồ lớn đang ở dưới mức trung bình theo mùa, đặc biệt là mực nước của hồ Garda đã đạt đến điểm thấp nhất với khoảng 38% sức chứa của nó.... Tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan đang khiến chi phí cho việc ứng phó tốn kém và còn để lại ảnh hưởng về lâu dài."
Lượng mưa ở thung lũng sông Po cũng sẽ thay đổi nhiều do sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong khi đó, thống kê của công ty điện nước Italia, hạn hán khắc nghiệt đã đã gây thiếu nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến 19 thị trấn, thành phố ở Lombardy và Piedmont. Thậm chí, một số thị trấn đã bắt đầu nhận nước bằng xe bồn.
Samantha Burgess - Phó Giám đốc Cơ quan Theo dõi Biến Đổi khí hậu Copernicus, chia sẻ: "Ở Châu Âu ghi nhận năm 2022 là năm nóng thứ hai trong lịch sử, và là mùa hè nóng nhất từng đo được. Chúng ta đã chứng kiến những đợt nắng nóng kéo dài trên diện rộng, đi kèm theo đó là hạn hán kéo dài, trên diện rộng ở phần lớn lục địa. Chúng ta có lượng khí thải carbon cao nhất, từ số lượng đáng kể các vụ cháy rừng ở nhiều nước. Các vụ cháy rừng này cũng có quy mô và thời gian kéo dài trên mức trung bình. Hiện tượng băng tan kỷ lục từ các sông băng dãy núi Alp cũng được ghi nhận trong năm 2022 vừa qua".
Theo Copernicus, ở phạm vi toàn cầu, năm 2022 là năm nóng thứ 5 trong lịch sử. 8 năm gần nhất tính từ năm 2005 cũng là 8 năm nóng nhất mà thế giới từng trải qua, từ hiện tượng La Nina.
Nghiên cứu năm 2022 cho thấy, các đợt nắng nóng nguy hiểm sẽ thường xuyên hơn từ 3 đến 10 lần so với vào đầu thế kỷ này. Các mô hình khí hậu cũng cho thấy, sau 3 năm của kiểu thời tiết La Nina làm nhiệt độ toàn cầu giảm nhẹ, thế giới sẽ chứng kiến sự quay trở lại của El Nino. Cộng với biến đổi khí hậu gây ra do hoạt động của con người, nhiệt độ Trái đất có thể phá kỷ lục vào cuối năm nay.