(HTV) - Hôm nay, cả nước kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 20/8/2023). Với hơn 70 năm hoạt động Cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp Cách mạng của Đảng và dân tộc.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao đẹp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước; sự trung thành, tận tụy với sự nghiệp cách mạng; tinh thần anh dũng, bất khuất; đức tính khiêm tốn, giản dị; tình thương yêu đồng chí, đồng bào; tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết quốc tế vô sản.
Nguồn ảnh: Tư liệu
Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888, trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước ở Cù lao Ông Hổ, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên; nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Tôn Đức Thắng là một trong những chiến sỹ đầu tiên của phong trào công nhân và phong trào cách mạng vô sản Việt Nam.
Trong các năm từ 1906 – 1909, Tôn Đức Thắng học tại Trường Kỹ nghệ Viễn Đông. Sau đó, làm công nhân ở Nhà máy Ba Son của Hải quân Pháp ở Sài Gòn và đã từng tổ chức, lãnh đạo công nhân bãi công năm 1912 ở Sài Gòn.
Năm 1914, Tôn Đức Thắng bị bắt lính sang Pháp và làm thợ máy cho một đơn vị Hải quân Pháp. Ngày 19/4/1919, đồng chí tham gia cuộc khởi nghĩa biển Đen của hải quân Pháp bảo vệ cách mạng Tháng Mười Nga, và là người treo cờ đỏ trên chiến hạm để ủng hộ cách mạng Nga.
Năm 1920, Tôn Đức Thắng về nước, lập ra Công hội bí mật ở Sài Gòn; vận động công nhân đấu tranh, tiêu biểu là cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8/1925).
Năm 1927, Tôn Đức Thắng tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ Nam Kỳ.
Năm 1928, Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn, kết án 20 năm tù khổ sai, đày ra Côn Đảo (1930-1945). Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí đã chính thức trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (1930) và tham gia chi uỷ của chi bộ bí mật trong nhà tù Côn Đảo..
Sau cách mạng Tháng Tám 1945, Tôn Đức Thắng được tự do, và trở về Nam Bộ tham gia kháng chiến. Bác từng giữ những chức vụ quan trọng: Bí thư Xứ ủy Nam Bộ (1945), Phó ban Thường trực Quốc hội (1946-1955), Trưởng ban Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1955-1960) tương đương Chủ tịch Quốc hội sau này.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng là Đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa Iđến khoá VI, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ khóa II đến khóa IV.
Ngày 30 tháng 3 năm 1980, do tuổi cao sức yếu, Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ trần, hưởng thọ 92 tuổi.
Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng - nhà lãnh đạo mẫu mực, người cộng sản kiên cường. Nguồn ảnh: Tư liệu
Từ thời kỳ lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn đến những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, rồi 15 năm ngục tù Côn Đảo, trải qua 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và hai cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc,… trên bất kỳ cương vị nào, là người thợ máy hay Chủ tịch nước, Bác Tôn luôn thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng; hết lòng vì nước, vì dân; sẵn sàng hy sinh, đặt lợi ích chung lên trên hết, Bác Tôn luôn dành tất cả tình cảm cho đồng bào, đồng chí, sẵn lòng chia sẻ khó khăn với mọi người.
Với những cống hiến to lớn của mình, Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao Vàng - phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta. Đồng chí cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận được Huân chương Lê nin, Giải thưởng Lê nin “Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc” và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Chủ tịch Tôn Đức Thắng với các đại biểu tham dự Đại hội Ba sẵn sàng toàn miền Bắc. Nguồn ảnh: Tư liệu
Kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng là dịp để ôn lại, tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tiếp tục học tập, tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương Bác Tôn kính yêu; tăng cường giáo dục lý tưởng, truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động, nhất là thế hệ trẻ; bồi dưỡng lòng tự hào, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Từ thời kỳ lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn đến những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, rồi 15 năm ngục tù Côn Đảo, trải qua 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và hai cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc,… trên bất kỳ cương vị nào, là người thợ máy hay Chủ tịch nước, Bác Tôn luôn thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng; hết lòng vì nước, vì dân; sẵn sàng hy sinh, đặt lợi ích chung lên trên hết, Bác Tôn luôn dành tất cả tình cảm cho đồng bào, đồng chí, sẵn lòng chia sẻ khó khăn với mọi người.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9