Định hướng phát triển đối với chợ truyền thống tại TP.HCM

TẤN KHOA – THIỆN TOÀN - TRÚC PHƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 28/3/2024, 11:22

(HTV) - TP.HCM hiện có 233 chợ, trong đó 224 chợ vẫn đang hoạt động. Mặc dù số lượng chợ nhiều nhưng lượng khách đến mua sắm đã giảm từ 30% - 50% so với năm 2019, thời điểm trước dịch COVID-19.

Nâng cấp chợ, đa dạng cách thức bán hàng hay là đẩy mạnh việc kết hợp phát triển du lịch là những giải pháp thu hút khách đến các chợ truyền thống tại TP.HCM, đặc biệt là 05 ngôi chợ trên địa bàn Quận 1 đã được các cơ quan chức năng, chuyên gia thảo luận sôi nổi tại tọa đàm “Định hướng phát triển đối với mô hình chợ trên địa bàn Quận 1”. Chương trình do Sở Công Thương TP.HCM phối hợp cùng UBND Quận 1 tổ chức vào sáng 27/3/2024.

 Tọa đàm “Định hướng phát triển đối với mô hình chợ trên địa bàn Quận 1”

Chợ truyền thống Quận 1: Bứt phá trong thời đại mới

Theo Sở Công thương TP.HCM, lượng hàng hóa tại hệ thống chợ chiếm 60 - 65% tổng lượng hàng cung ứng và tiêu thụ cho thị trường Thành phố. So với lúc trước dịch, hiện, lượng khách đến mua sắm tại chợ truyền thống hầu hết đều giảm, trong đó, giảm mạnh nhất là ngành vải, mất tới 90%, các mặt hàng thực phẩm giảm thấp nhất, từ 10 – 30%. Theo ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM: “Xu hướng tiêu dùng ngày nay khách hàng ngày càng chú trọng hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc sản xuất rõ ràng, chưa kể có nhiều chương trình khuyến mãi được các siêu thị, trung tâm thương mại, mua sắm qua các trang thương mại điện tử áp dụng để kéo khách hàng, khiến đa số khách hàng đang dần dần thay đổi thói quen tiêu dùng, mua sắm. Trong khi đó, không thể phủ nhận một điều rằng bên cạnh điều kiện kinh doanh tại rất nhiều chợ truyền thống đang xuống cấp. Các chợ truyền thống vẫn còn tình trạng bán không đúng giá niêm yết, hàng nhái, hàng giả, hàng không có nguồn gốc rõ ràng bán tràn lan, khiến người tiêu dùng mất dần niềm tin, quay lưng với chợ truyền thống".

Các mô hình chợ truyền thống tại TP.HCM 

Các chuyên gia nhận định chợ truyền thống không chỉ giữ vai trò là đầu mối lưu thông hàng hóa mà còn là nét văn hóa của người dân Việt Nam. Thông qua nhiều khảo sát, nghiên cứu khoa học cụ thể, các chuyên gia đã có nhiều góp ý, đề xuất cải thiện mô hình chợ phù hợp với định hướng phát triển chợ truyền thống tại TP.HCM vừa hiện đại hóa, hoàn thiện công năng vừa phát triển thành điểm tham quan, mua sắm du lịch.

Tiến sĩ Lê Thị Hải Yến – Đại diện Nhóm nghiên cứu trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM nêu ý kiến: “Cần có lộ trình và chúng ta cần những giải pháp phù hợp với từng đối tượng. Đặc biệt là những nhóm tiểu thương có độ trễ nhất định trong việc hòa nhập với lại công nghệ trong thời đại số của chúng ta ngày nay". 

Chợ truyền thống tại TP.HCM dưới góc nhìn người tiêu dùng: kết quả nghiên cứu và một số đề xuất chính sách

Còn theo ông Phan Đông Nhựt – Phòng Quy hoạch – Phát triển Tài nguyên Du lịch, Sở Du lịch TP.HCM thì: “Con người được xem là yếu tố then chốt để làm nơi thu hút tạo ra điểm nhấn và tạo ra sự kích thích cho du khách khi đến với chợ, khách vào bên trong chợ cần một sự yên tâm về giá cả, cần sự yên tâm về dịch vụ và cần yên tâm về thông tin để tìm hiểu một điều đặc biệt nào đó ở chợ”.

Dự kiến đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, TP.HCM tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tối ưu hóa hệ thống chợ truyền thống: Giảm số lượng chợ còn 216, trong đó 34 chợ sẽ được giải tỏa, di dời, chuyển công năng và 17 chợ mới sẽ được phát triển. Sở Công Thương và nhóm nghiên cứu sẽ tổ chức 10 tọa đàm về thực trạng chợ truyền thống, tổng hợp các ý kiến nhằm xây dựng mô hình phát triển chợ tại Thành phố trong tương lai phù hợp và hiệu quả nhất.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

 

Ý kiến của bạn: