Đẩy mạnh xử lý nợ xấu bằng sáp nhập ngân hàng

Trung tâm Tin tức 15/5/2018, 08:22

Sau khi Nghị quyết 42 về Xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua vào năm 2017, các hoạt động xử lý nợ xấu vẫn đang được tiếp tục đẩy mạnh.


(Ảnh minh họa: Bizlive)

Các ngân hàng hiện nay cũng đã có những chiến lược mua bán - sáp nhập, nhằm vừa phát triển hệ thống kinh doanh, vừa hỗ trợ chính phủ trong vấn đề nợ xấu.

Trong đợt đại hội cổ đông các ngân hàng vừa qua, thông tin Ngân hàng HDbank mua lại Ngân hàng Thương mại Cổ phần xăng dầu Petrolimex - PG bank, là một tín hiệu tích cực trên thị trường. Tuy PG bank không phải là ngân hàng trong nhóm "ngân hàng mua lại giá 0 đồng", song việc hợp nhất các tổ chức tín dụng một cách chủ động cũng góp phần quan trọng cho bức tranh tài chính Việt Nam trở nên sáng sủa hơn. 

Cuối năm 2011 - đầu năm 2012, ngân hàng SCB cũng đã thực hiện thành công thương vụ mua bán - sáp nhập với 2 ngân hàng nhỏ là Đệ Nhất và Việt Nam Tín nghĩa. Điều này đã hỗ trợ vào chiến lược phát triển chung của SCB cho đến nay.

Theo các chuyên gia, câu chuyện mua bán và sáp nhập trong ngành ngân hàng là một vấn đề phức tạp, tuy có nhiều hấp dẫn về tăng trưởng nhưng cũng ẩn chứa không ít rủi ro. Trong đó, vấn đề tái cơ cấu tổ chức và giải quyết nợ xấu cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực vào năm 2017, xử lý nợ xấu đã hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây, vì cả nhà nước và ngân hàng đều có thể tham gia cơ cấu nợ. Trong năm qua, công ty quản lý tài sản Việt Nam - VAMC - đã thu hồi hơn 35.000 tỉ đồng, trong khi 3 năm trước đó số nợ thu hồi mới đạt gần 50.000 tỉ. 
Ý kiến của bạn: