(HTV) - Cơ sở hạ tầng giao thông vận tải là một hạn chế đáng kể đối với TP.HCM. Ùn tắc giao thông trong và xung quanh thành phố ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và chất lượng cuộc sống.
Trong nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn này, thành phố đã tiến hành khởi công hàng loạt dự án giao thông từ cuối năm 2022 và kéo dài trong hai năm tới. Lãnh đạo thành phố kỳ vọng, đây sẽ là điểm nhấn trong sự chuyển biến về hạ tầng của "đầu tàu" kinh tế, đáp ứng sự chờ đợi của người dân, doanh nghiệp. Song, mục tiêu tháo điểm nghẽn hạ tầng không thể chỉ dừng lại ở nỗ lực của riêng chính quyền thành phố, mà rất cần những cơ chế đặc thù được tạo điều kiện từ phía trung ương.
Tuyến đường hơn 1 cây số này có đến hơn 10 doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM đang hoạt động. Sự xuống cấp của tuyến đường, theo các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu, chính là khó khăn rất lớn trong quá trình lưu thông hàng hóa, nhất là vận chuyển đến những cảng biển của thành phố để xuất khẩu. Chưa kể, cơ sở hạ tầng giao thông, còn là bộ mặt của doanh nghiệp khi tiếp xúc với các đối tác nước ngoài đến tìm hiểu và đặt hàng.
Đó là khó khăn rất thực tế mà Bà Đinh Thị Hương Nga - Giám Đốc Công ty Tnhh Mỹ Thuật Hương Nga chia sẻ với phóng viên HTV. Dù đối tác đa phần đến từ châu u, Mỹ, nhưng cứ vào mỗi dịp cao điểm, doanh nghiệp đều phải loay hoay trong câu chuyện xuất - nhập kho.
Còn nhớ cách đây không lâu, các chuyên gia từng nhiều lần nhấn mạnh, hạ tầng giao thông sẽ quyết định thành công của Thủ Đức cũng như cần phải kết nối với các phần còn lại của TP.HCM và các địa phương lân cận. Tuy nhiên, đây rõ ràng là một bài toán khó giải. Bà Vương Phan Liên Trang - Phó Tổng Giám Đốc Công ty Tư vấn Quốc Tế Encity cho biết, Thành phố Thủ Đức hiện nay đã có rất nhiều khu công nghệ, tương tác cao, nhưng những nơi này như những “ốc đảo”, không có sự kết nối tốt sang các khu vực khác, cũng chưa có trục kết nồi từ Đông sang Tây bài bản.
Các chính sách để tạo nguồn vốn cho phát triển hạ tầng giao thông là một trong số những nội dung mà Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang thảo luận trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Bởi đây chính là thời điểm phù hợp để TP được xem xét tạo điều kiện tháo gỡ điểm nghẽn, góp phần hướng tới mục tiêu hoàn thiện bức tranh hạ tầng giao thông, không chỉ cho cực tăng trưởng phía Đông, mà cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành - Đại Học Fulbright Việt Nam, Nghị quyết lần này cần phân cấp mạnh hơn cho địa phương như TP.HCM để tạo ra động lực, nguồn lực để đầu tư hạ tầng cả về đầu tư công lẫn đối tác công tư. Lần này cũng đưa ra một thí điểm là hình thức TOD – tức là thành phố có thể dùng ngân sách để làm vốn mồi tận dụng quỹ đất dọc tuyến đường giao thông, sau đó giá trị thu lại sẽ bổ sung vào quỹ.
Còn theo Tiến sĩ Trần Du Lịch - Thành viên Tổ Tư vấn Kinh Tế của Thủ tướng Chính Phủ, TP.HCM cần có thêm chính sách để tận dũng quỹ đất dọc các tuyến Metro, Vành đai,… để có thêm nguồn lực phát triển. Kỳ vọng, Nghị quyết mới sẽ giúp thành phố phát huy được sức mạnh của mình.
Kỳ vọng về Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, lãnh đạo từng chia sẻ quan điểm: TP không đặt trọng tâm ở khai thác nguồn thu mà xin đề nghị thí điểm các cơ chế vượt trội, đột phá để huy động nguồn lực phát triển TP. Rõ ràng, sự đồng hành của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương vẫn luôn là nền tảng vững chắc để thành phố thực hiện vai trò "vì cả nước, cùng cả nước" như suốt thời gian qua.
>>> Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9