Chuyển đổi mô hình các khu chế xuất, khu công nghiệp: Đúng xu hướng phát triển TP.HCM

TRẦN HÙNG - HỒNG DIỄM - TẤN LỘC - THIỆN TÙNG - THANH PHONG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 14/5/2023, 10:13

(HTV) - TP.HCM đã có định hướng chuyển đổi mô hình các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp sản xuất hiện nay.

Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đổi mới là yếu tố quan trọng để tăng trưởng bền vững. Điều này thể hiện rất rõ sau 30 năm phát triển, các khu chế xuất, khu công nghiệp đã giúp chuyển đổi các vùng nông nghiệp lạc hậu của Thành phố trở thành khu đô thị - công nghiệp phát triển. Trong bối cảnh mới, Thành phố tiếp tục có định hướng chuyển đổi mô hình các khu chế xuất, khu công nghiệp theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, để phù hợp với xu thế.

Ông Nguyễn Ái Hữu – Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Xelex

Theo ông Nguyễn Ái Hữu – Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ Xelex, dù đang phải tạm thuê mặt bằng của một đơn vị khác, sau 5 năm hoạt động, doanh nghiệp đã sản xuất ra hàng chục ngàn sản phẩm điện tử, vi mạch, máy tính bảng, phục vụ cho việc chuyển đổi số của cả nhà nước và tư nhân. Để đáp ứng nhu cầu mới, doanh nghiệp cần khoảng 1 ha mặt bằng để thành lập đơn vị nghiên cứu, phát triển và vườn ươm. Tuy nhiên, hiện nhiều người vẫn chưa nhận xét đúng về vườn ươm. “Đâu phải chỉ có con người không đâu, mà còn có máy móc, và máy móc thì nhà nước phải có những chính sách để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thuê, để làm những khu đó trở thành hệ sinh thái sôi động, quy hoạch thành những nhà cung cấp riêng cho một hệ sinh thái đó để tạo thành một sản phẩm". Ông Hữu chia sẻ.

Vườn ươm không chỉ có con người, mà phải có cả máy móc

Nhằm khắc phục những hạn chế và tạo sức hút mới, UBND TP.HCM đã thông qua đề án "Định hướng phát triển các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP.HCM giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, Khu chế xuất Tân Thuận, và các khu công nghiệp Tân Bình, Cát Lái, Hiệp Phước sẽ được thí điểm chuyển đổi theo chiều sâu, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, Thành phố sẽ triển khai thêm một số khu công nghiệp mới.

TP.HCM hướng đến các khu chế xuất, khu công nghiệp xanh

Ngày 4/5/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã có công văn đồng ý bổ sung Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I và II với tổng quy mô diện tích 668 hecta tại Xã Phạm Văn Hai, Huyện Bình Chánh vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Hai khu này được định hướng phát triển là khu công nghiệp công nghệ cao, trong đó quy hoạch phân khu chức năng chuyên ngành điện - điện tử, cao su - nhựa, cơ khí tự động hóa.

Đối với các khu công nghiệp đã có Quyết định thành lập nhưng chưa triển khai và các khu công nghiệp trong Quy hoạch phát triển khu công nghiệp Thành phố nhưng chưa thành lập, Thành phố sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai.

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài – Đại học Kinh tế TP.HCM

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài – Đại học Kinh tế TP.HCM đề nghị: “Cần có những điều kiện về tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, thay vì thâm dụng lao động thì thâm dụng những công nghệ thân thiện với môi trường, và sẽ hướng đến quy hoạch các khu công nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động ngoài khu công nghiệp theo cơ chế tuần hoàn. Muốn làm được như vậy thì chúng ta phải có đủ nguồn lực, không chỉ về tài chính, mà về cả con người".

Ông Phạm Phú Trường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP.HCM

Ông Phạm Phú Trường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia TP.HCM thì cho rằng: “Việc xã hội hóa tôi nghĩ là một ý tưởng rất tốt, ở đây không phải nói về nguồn vốn, mà ở đây nói về nguồn tri thức mà các doanh nghiệp có kinh nghiệm phát triển ở các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, chúng ta còn lấy được cái nhu cầu thực tế của thị trường vì chính doanh nghiệp họ hiểu rõ thị trường nhiều hơn, để có giải pháp phù hợp hơn, nhanh chóng hơn, và đặc biệt là hiệu quả về thị trường để thu hút đầu tư".

 Việc định hướng, xây dựng phương án phát triển cho từng khu chế xuất, khu công nghiệp là cần thiết, nhằm hoạch định chính sách cho việc cơ cấu lại, đổi mới mô hình phát triển. Mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM trở thành thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á.

 

Ý kiến của bạn: