(HTV) - Dân ca quan họ Bắc Ninh được đánh giá là loại hình đạt tới trình độ cao về nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật lời ca và nghệ thuật âm nhạc. Làn điệu mượt mà này cũng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể vào năm 2009.
Để tiếp tục giữ gìn và phát huy di sản này, nhiều địa phương, trong đó có TP.HCM, đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động để góp phần lan tỏa và thu hút khán giả đến bộ môn nghệ thuật đậm đà bản sắc quê hương này.
TP.HCM đẩy mạnh các hoạt động lan tỏa dân ca quan họ
Là thành viên nhỏ tuổi nhất của câu lạc bộ "Tình người quan họ" Quận 10, dù thuộc thế hệ 8X nhưng anh Xuân Hoàn lại bị thu hút bởi những lời ca và giai điệu mượt mà của dân ca quan họ Bắc Ninh.
Anh Phạm Xuân Hoàn - Thành viên Câu lạc bộ Tình người Quan họ Quận 10, TP.HCM tâm sự: “Sau khi nghe những bài ca và tiếng hát của quan họ, tôi cảm thấy yêu và quyết định gia nhập câu lạc bộ từ năm 2018. Tuy bắt đầu tập hát rất khó khăn nhưng nhờ sự hướng dẫn của các cô, mọi việc trở nên dễ dàng hơn”.
Anh cũng cho hay, các thành viên của câu lạc bộ đã và đang tích cực duy trì những hoạt động biểu diễn để giới thiệu về bộ môn này đến với đông đảo người dân, đặc biệt là các bạn trẻ”.
Anh Phạm Xuân Hoàn chia sẻ về những ngày đầu tham gia câu lạc bộ
Bà Phạm Quỳnh Loan - Chủ nhiệm câu lạc bộ Tình người Quan họ Quận 10, TP.HCM bộc bạch: “Suốt 10 năm qua, chúng tôi đã từng bước đưa làn điệu vào các trường học cũng như đến các địa điểm yêu thích quan họ để biểu diễn. Chúng tôi mong muốn thông qua lời ca, tiếng hát giúp cho thế hệ trẻ hiểu hơn về những lời ru, những tiếng hát của ông cha ta”.
Câu lạc bộ Tình người Quan họ Quận 10 là một trong rất nhiều câu lạc bộ Quan họ khác trên địa bàn thành phố đang cố gắng giữ gìn và lan tỏa làn điệu quê hương. Với những buổi giao lưu, biểu diễn như chương trình "Quan họ giữa lòng thành phố", các anh chị không chỉ giúp những người con xứ Kinh Bắc cảm thấy ấm lòng nơi đất khách mà còn giúp người dân thành phố cảm nhận được vẻ đẹp quê hương đất nước thông qua tiếng hát, lời ru.
Ông Nguyễn Chí Lương - Tỉnh Đồng Nai bày tỏ: “Tôi có một niềm tự hào khi là người con của Kinh Bắc có thể thưởng thức được làn điệu dân ca quan họ giữa lòng thành phố. Điều đó khẳng định, giữa bao nhiêu thể loại âm nhạc, quan họ vẫn luôn có một chỗ đứng trong lòng mọi người. Tôi mong rằng quan họ sẽ được bảo tồn và phát triển, nhất là trong các bạn trẻ”.
Trong những năm gần đây, quan họ đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể bởi UNESCO. Bà Bùi Thị Hằng - Phó Chánh văn phòng Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đề xuất: "Tôi mong muốn ngành văn hóa thành phố quan tâm và tạo điều kiện cho quan họ. Trong đó, thành phố có thể tính đến việc tổ chức các cuộc thi để chọn ra những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong việc thể hiện làn điệu... Tôi tin tưởng việc không ngừng lan tỏa sẽ giúp các thế hệ tiếp nối giữ gìn làn điệu quê hương”.
Bà Bùi Thị Hằng mong muốn sẽ có thêm nhiều hoạt động quảng bá về làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh
Cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật dân tộc khác, Quan họ Bắc Ninh cũng đang đối mặt với việc thiếu hụt các lực lượng kế thừa. Chính vì thế, đẩy mạnh lan tỏa bộ môn nghệ thuật này đến với công chúng, nhất là thế hệ trẻ là vô cùng cần thiết để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của một di sản văn hóa phi vật thể vô giá của dân tộc.