Chủ động triển khai phòng, chống COVID-19 trên địa bàn TP.HCM

Pháp luật TP.HCM 21/5/2025, 22:11

Sở Y tế TP.HCM vừa có văn bản khẩn gửi đến các cơ sở y tế về việc chủ động triển khai phòng, chống COVID-19 trên địa bàn TP.HCM trong tình hình hiện nay.

Tất cả các trường hợp mắc COVID-19 nhập viện cần được khai thác đầy đủ tiền sử tiêm vaccine phòng COVID-19. Ảnh minh họa

Ngày 21/5, Sở Y tế TP.HCM cho biết vừa gửi văn bản khẩn đến các bệnh viện công lập và ngoài công lập, Trung tâm Cấp cứu 115 TP, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) và trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức về việc chủ động triển khai phòng, chống COVID-19 trên địa bàn TP trong tình hình hiện nay.

Chủ động ứng phó COVID-19

Sở Y tế TP.HCM nhận định chủng Omicron XEC không phải là biến chủng mới xuất hiện (mà đã được phát hiện trên thế giới từ tháng 6/20024).

Hiện Omicron XEC đã có mặt khắp nơi trên thế giới, được WHO xếp vào nhóm nguy cơ thấp - biến chủng cần được theo dõi (VUM).

Tuy nhiên, trước các diễn biến khó lường của COVID-19 trên thế giới, để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh mắc COVID-19, phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Sở Y tế TP.HCM đề nghị giám đốc các đơn vị tập trung triển khai nhiều nội dung.

Cụ thể, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu HCDC phối hợp các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và trên địa bàn TP. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở y tế và tại cộng đồng.

Tiếp tục thực hiện các hoạt động kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025. Đặc biệt, chú trọng bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao khi bị COVID-19 (cao tuổi, bệnh mãn tính…).

Phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) chủ động lấy mẫu đại diện tại các ổ dịch, cơ sở y tế, nhất là các trường hợp mắc bệnh nặng để xét nghiệm xác định các biến thể và theo dõi sự lây lan của dịch bệnh. Cạnh đó, thường xuyên phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ, đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống COVID-19". Hướng dẫn các đơn vị quản lý tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí, các trung tâm thương mại, địa điểm công cộng; tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân.

Phối hợp các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn TP tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng. Chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19, các yếu tố nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân.

Bảo đảm cung ứng đủ vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giám sát chủ động của TP; đảm bảo vật tư, hóa chất trang thiết bị chống dịch phục vụ cho hoạt động của các lực lượng trực thuộc Trung tâm. Dự trù kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công và nội dung định mức theo quy định.

Hạn chế lây lan COVID-19 trong bệnh viện

Sở Y tế TP.HCM giao các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động rà soát và cập nhật lại kế hoạch thu dung, điều trị COVID-19 tại đơn vị; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 khi có chỉ định nhập viện.

Cùng với đó, dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 khi dịch bệnh có thể xảy ra diễn biến phức tạp. Tập huấn lại về chẩn đoán, điều trị, các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 tại đơn vị.

Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,...). Tăng cường giám sát việc tuân thủ vệ sinh tay, đeo khẩu trang đối với toàn bộ người ra vào bệnh viện.

Trường hợp tiếp nhận người bệnh COVID-19 nặng hoặc bệnh nặng do biến chứng COVID-19, cần chủ động hội chẩn, chuyển người bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để tiếp tục điều trị, lưu ý đảm bảo an toàn người bệnh trước và trong quá trình chuyển bệnh.

Tăng cường truyền thông, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh, thân nhân…tại bệnh viện; chú trọng tuyên truyền, vận động, giám sát người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID- 19 tại bệnh viện theo quy định.

Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định. Tất cả các trường hợp mắc COVID-19 nhập viện cần được khai thác đầy đủ tiền sử tiêm vaccine phòng COVID-19, bệnh lý nền và các yếu tố nguy cơ khác; nhập đầy đủ thông tin vào nền tảng số quản lý sức khỏe cộng đồng của TP.

Sở Y tế TP.HCM đề nghị phòng y tế phối hợp trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức tham mưu UBND quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế TP.HCM, HCDC.

Chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các yếu tố nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Xây dựng, cập nhật các tài liệu, sản phẩm, thông điệp truyền thông về phòng, chống dịch bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của từng địa phương trên địa bàn TP.

Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh truyền nhiễm, giám sát các tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch

Thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định. Tiếp tục thực hiện kế hoạch của UBND TP về kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn TP.

Ý kiến của bạn: