Chinh phục thị trường mới: Doanh nghiệp khó có thể "tự bơi"

HỒNG DIỄM - NGỌC QUÍ - TRẦN TÚ - TRÚC QUỲNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 21/1/2024, 08:39

(HTV) - Cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đều có nhu cầu nhập khẩu lớn ở những lĩnh vực mà Việt Nam đang có thế mạnh. Đặc biệt, tiềm năng của 12 nhóm mặt hàng xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam đều rất rộng mở, trong đó nổi bật là dệt may, da giày và nông sản.

Chinh phục thị trường mới: Doanh nghiệp khó có thể "tự bơi"

Trợ lực quan trọng đầu tiên đó là vai trò "mở đường", bởi doanh nghiệp dù có ý thức phải tiếp cận thị trường tiềm năng, nhưng "lực bất tòng tâm" khi sức khỏe tài chính yếu và khả năng tiếp cận thị trường, quảng bá sản phẩm còn hạn chế.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chinh phục thị trường mới

Ông Trần Ngọc Báu - Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần WiGroup cho biết ''Khó khăn của doanh nghiệp, thứ nhất là họ thiếu thông tin, thiếu các mối quan hệ, thứ hai là chi phí. Cơ quan quản lý nên có hỗ trợ cần thiết tiết giảm chi phí như logistics, thuế. Đôi khi chúng ta có thể chấp nhận nguồn thu bị ảnh hưởng trong ngắn hạn để hỗ trợ doanh nghiệp tấn công vào thị trường đó trước, sau khi tấn công vào rồi biết đâu đó là cơ hội để chúng ta cấu trúc lại thị trường xuất khẩu''.

Tiến sĩ Hồ Hoàng Anh - Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) chia sẻ ''Để làm được điều này, chắc chắn Thành phố phải đi đầu và dẫn trước, tìm đường cho các doanh nghiệp, bởi vì một doanh nghiệp nhỏ lẻ hoặc cấp hiệp hội doanh nghiệp chi phí đầu tư mở rộng sang thị trường mới rất là lớn. Thành phố có khoản đầu tư ban đầu nhưng khi có đường rồi thì chi phí doanh nghiệp đi vào con đường đó sẽ thấp, khuyến khích được doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp thấy được lợi ích từ các thị trường này''.

Tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Nhật Bản, Ấn Độ

Bắt nhịp với xu hướng phát triển xanh và bền vững của thế giới

Chuyên gia cũng lưu ý, điều quan trọng là tất cả các chính sách nhằm thúc đẩy tổng cầu trong ngắn hạn cần phải được đặt trong khuôn khổ của mục tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế trong trung hạn, đó là phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính ngân hàng, đặc biệt là bắt nhịp với xu hướng phát triển xanh và bền vững của thế giới.

Thúc đẩy quan hệ thương mại, cải thiện bức tranh xuất khẩu của TP.HCM và cả nước

Cũng theo các chuyên gia, đối với bất kì thị trường nào, về lâu dài, cần có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững để gia tăng lợi thế cho sản phẩm. Có như vậy hàng hoá từ Việt Nam mới tận dụng được các ưu đãi, thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại và quan trọng là cải thiện bức tranh xuất khẩu của TP.HCM và cả nước.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: