Để ngành hàng sầu riêng phát triển bền vững

THANH TÂN - TRÚC QUỲNH - MINH THUẬN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 28/5/2025, 10:32

(HTV) - Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sụt giảm mạnh trong những tháng đầu năm 2025. Thách thức từ chất lượng, thị hiếu và cạnh tranh khu vực đặt ra yêu cầu cấp bách về canh tác bền vững và chuyển đổi công nghệ.

Trong năm 2024, Trung Quốc chiếm tới 97,2% thị phần xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, nhu cầu từ thị trường này đã giảm tới 46,5% về sản lượng và 48,1% về giá trị. Nguyên nhân đến từ sự suy yếu kinh tế tại Trung Quốc, thay đổi trong thị hiếu tiêu dùng và áp lực cạnh tranh từ các quốc gia như Campuchia, Malaysia - những nước được phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào Trung Quốc từ cuối năm ngoái.

Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh trong đầu năm 2025, đối mặt áp lực cạnh tranh và thay đổi thị hiếu tiêu dùng

Ông Lê Liên Thành - đại diện Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đầu tư Thương mại Sản xuất Miền Nam 007, cho biết: "Trước đây doanh nghiệp tôi một ngày xuất khẩu 5 container, giờ chỉ còn 1 container, thậm chí đôi khi phải dừng vì tình hình thông quan phức tạp, hàng quay đầu nhiều. Thời gian thông quan kéo dài ảnh hưởng lớn đến chất lượng trái cây khi đến tay người tiêu dùng."

Ông Lê Liên Thành - đại diện doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng - chia sẻ khó khăn do thông quan chậm và hàng hóa bị trả về

Ngoài yếu tố cạnh tranh, trở ngại lớn nhất hiện nay là việc Trung Quốc siết chặt kiểm tra các lô hàng nhằm phát hiện và loại trừ chất cấm Cadimi - kim loại nặng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc kiểm soát tồn dư chất này trong quá trình sản xuất.

Cadimi - kim loại nặng tiềm ẩn trong đất và vật tư nông nghiệp - đang là rào cản lớn cho nông sản Việt khi xuất khẩu

Theo ông Trần Ngọc Ấn - chủ trang trại sầu riêng Five A: “Tôi chuyển sang hướng canh tác sinh học hữu cơ từ sớm, không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân vô cơ. Muốn xuất khẩu được thì sản phẩm phải sạch, phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe.”

Ông Trần Ngọc Ấn - chủ trang trại Five A - canh tác sầu riêng theo hướng sinh học hữu cơ để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu

Chuyên gia công nghệ sinh học Lê Phong Hải - Giám đốc điều hành Trung tâm Chuyển giao công nghệ Biotech Solution, phân tích: “Cadimi tồn tại trong đất, nước, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Khi pH hoặc dinh dưỡng đất thay đổi, cây sẽ hấp thụ Cadimi thụ động. Ngăn chặn chất này đòi hỏi quy trình phức tạp và sự phối hợp giữa nhà khoa học và người nông dân.”

Chuyên gia Lê Phong Hải nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ giữa nông dân và giới khoa học để kiểm soát tồn dư Cadimi trong canh tác

Việc chuyển đổi mô hình sản xuất sang hướng hữu cơ - bền vững không còn là lựa chọn mà là yêu cầu sống còn của ngành sầu riêng. Điều này không chỉ giúp trái sầu riêng Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế mà còn khẳng định vị thế cạnh tranh trong bối cảnh thị trường ngày càng biến động. Muốn làm được điều đó, cần sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp - nhà khoa học - nông dân, nhằm chuyển giao công nghệ, phổ biến quy trình canh tác chuẩn và xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: