Chiến lược quản trị dữ liệu của TP.HCM: Ưu tiên phát triển theo ngành dọc

THU HIẾU - MINH KHÔI - NGUYỄN QUỐC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 10/10/2023, 17:10

(HTV) - Sau gần 4 năm triển khai kho dữ liệu dùng chung, Thành phố đã liên thông dữ liệu nhiều sở ngành, tăng hiệu quả cơ chế một cửa. Tuy nhiên, ở lĩnh vực tư nhân, thực tế triển khai lại vấp phải nhiều rào cản về nhận thức.

Với các ứng dụng số hóa dữ liệu giấy, TP.HCM đã rút ngắn thời gian triển khai kho dữ liệu dùng chung và tăng tốc độ cập nhật vào cổng dịch vụ công quốc gia. Ở lĩnh vực tư nhân, nhiều giải pháp công nghệ có thể số hóa dữ liệu chỉ với một cú quét bằng camera của điện thoại thông minh. 

Tăng tốc độ cập nhật với các ứng dụng số hóa dữ liệu giấy

Anh Hồ Trung Kiên - Giám đốc Khối lĩnh vực chuyển đổi số Ricoh Việt Nam chia sẻ: ”Một loại tài liệu đưa vào thì A.I. sẽ đọc toàn bộ nội dung, thay con người tìm đâu là thông tin chính xác, cần thiết. Người dùng rất nhàn, chỉ cần coi lại sự chính xác của A.I. để đánh giá lại. Áp dụng A.I. vào phần nhập liệu thì chúng tôi cắt giảm được 95% thời gian con người trong việc nhập liệu thủ công, input, tìm kiếm tài liệu hằng ngày.”

Anh Hồ Trung Kiên - Giám đốc Khối lĩnh vực chuyển đổi số Ricoh Việt Nam

Có thể thấy, các giải pháp này giúp việc thiết lập và chia sẻ kho dữ liệu số ngày càng đơn giản hơn. Tuy nhiên, mỗi kho dữ liệu vẫn đang hoạt động rời rạc vì yếu tố bảo mật. Đây chính là trở ngại lớn nhất trong việc thiết lập kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Dù đã có nhiều minh chứng về lợi ích của một kho dữ liệu thống nhất ở nhiều nước trên thế giới nhưng việc thay đổi nhận thức về chia sẻ, cập nhật và hệ thống dữ liệu không hề đơn giản.

Khó khăn trong việc chia sẻ hệ thống dữ liệu

Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhận xét “Có những giai đoạn hết sức khó khăn vì không phải dễ dàng gì phá vỡ những bức tường vô hình chính là tâm lý chia sẻ dữ liệu. Chúng ta phải thực hiện chia sẻ dữ liệu trong thành phố và thành phố phải thực hiện chia sẻ dữ liệu trung ương và trung ương chia sẻ với thành phố. Một số công chức phải thực hiện thao tác 2 lần vừa nhập dữ liệu lên TP.HCM vừa nhập dữ liệu lên trung ương.

Bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM

Theo ông Võ Hưng Sơn - Trưởng Phòng Quản lý khoa học & công nghệ cơ sở, Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM, định hướng chung của thành phố thông thường được công bố rộng rãi nhưng dữ liệu của một số ngành còn đang tương đối hạn chế. Vì vậy, doanh nghiệp phải tự tìm hiểu hoặc tốn khá nhiều chi phí để nghiên cứu thị trường.

Ông Võ Hưng Sơn - Trưởng Phòng Quản lý khoa học & công nghệ cơ sở, Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM

TP.HCM ưu tiên phát triển dữ liệu theo ngành dọc

Chiến lược quản trị dữ liệu đến 2025 TP.HCM đã xác định dữ liệu số không thể thiếu khối doanh nghiệp tư nhân. Thành phố đang ưu tiên phát triển dữ liệu theo ngành dọc. Nhóm dữ liệu theo ngành sẽ được ứng dụng ngay để thống nhất công tác quản lý từ sở ngành đến quận huyện.  

Theo bà Võ Thị Trung Trinh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, thành phố sẽ nhấn vào trọng tâm các cơ sở dữ liệu chính cũng như sẽ tổ chức những dữ liệu theo hướng ngành dọc xuyên suốt, nhằm phục vụ cho việc nâng cao chất lượng sử dụng dịch vụ công, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Ông Võ Hưng Sơn - Trưởng Phòng Quản lý khoa học & công nghệ cơ sở, Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM gợi ý: “Từ những cơ sở dữ liệu dùng chung, có những công cụ để doanh nghiệp có thể tổng hợp trích xuất thống kê ra những dữ liệu về thị trường”.

Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần tránh tình trạng độc quyền kết nối, khai thác dữ liệu. Các doanh nghiệp công chỉ nên tập trung làm những nền tảng, hạ tầng mà doanh nghiệp tư nhân không làm được, tránh sự cạnh tranh giữa hai khối. Có như vậy, kho dữ liệu dùng chung mới bổ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM.

Nhiều chuyên gia cũng nhấn mạnh, cần tránh tình trạng độc quyền kết nối, khai thác dữ liệu

 

Ý kiến của bạn: