Cầu truyền hình "Niềm tin và Khát vọng": Đồng Tháp – Dấu ấn lịch sử

THÀNH NGUYÊN - GIA BẢO // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 27/8/2024, 11:47

(HTV) - Bến Bắc Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là một trong ba điểm tập kết lớn của các tỉnh Nam bộ để đưa 13.508 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, học sinh ở miền Nam ra Bắc.

Năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới. Miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân. Khi đó, miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc, là nơi đào tạo cán bộ, chiến sĩ cho cách mạng miền Nam.

 Cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới

Cùng với Hàm Tân - Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Mũi Cà Mau, thì Bến Bắc Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là một trong ba điểm tập kết lớn của các tỉnh Nam bộ để đưa 13.508 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, học sinh ở miền Nam ra Bắc để lao động, học tập, quay trở về phục vụ cách mạng miền Nam.

Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Nam Bộ có 3 khu vực tập kết chuyển quân của Quân đội nhân dân Việt Nam là Hàm Tân - Xuyên Mộc 80 ngày; Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười 100 ngày và Mũi Cà Mau 200 ngày.

Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh

100 ngày tập kết chuyển quân ở thị trấn Cao Lãnh khi ấy như một ngày hội lớn, là ngày hội đoàn kết chiến thắng của nhân dân. Vượt qua niềm thương nhớ quê hương, những người con miền Nam quyết “đi vinh quang”, chung tay đóng góp vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ hậu phương miền Bắc.

Nơi ghi dấu 100 ngày chuyển quân ra Bắc

Trong bức thư có tựa đề “Thư gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam ra Bắc” được đăng trên Báo Nhân dân số 229 - ngày 22/9/1954, Bác Hồ đã nhắn nhủ, thăm hỏi, động viên và căn dặn bộ đội, cán bộ và các gia đình từ miền Nam ruột thịt tập kết ra Bắc.

Trích “Thư gửi bộ đội, cán bộ và gia đình cán bộ miền Nam ra Bắc” được đăng trên Báo Nhân dân số 229 - ngày 22/9/1954

Lời động viên kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cho đồng bào miền Nam và thổi bùng ngọn lửa đoàn kết dân tộc, để rồi những con tàu xuất phát từ miền Nam chở hơn hàng trăm nghìn đồng bào, chiến sĩ, học sinh ra miền Bắc với mong muốn: “Mỗi người sẽ tùy theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 22/7/1954

Thời hạn 100 ngày tập kết tại Cao Lãnh cũng khép lại. Ngày 29/10/1954, chuyến tàu cuối cùng cho những người con ưu tú của miền Nam rời Cao Lãnh để tập kết ra miền Bắc.

Người đi, người ở đều đồng loạt đưa hai ngón tay hẹn người thân sau hai năm sẽ trở về đoàn tụ. Ấy thế mà, lời hẹn đã trở thành 21 năm dài đằng đẵng... 

Người đi quyết tâm xây dựng miền Bắc vững mạnh, củng cố thành trì kiên cố cho cách mạng miền Nam. Còn người “ở anh dũng”, giữ trọn lời thề son sắt thủy chung, quyết đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh” là Di tích lịch sử quốc gia

70 năm đã trôi qua, sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 vẫn còn nguyên giá trị và ý nghĩa lịch sử trọng đại của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung. Với tầm quan trọng đó, “Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh” - tọa lạc Khóm 6, Phường 6, TP. Cao Lãnh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 29/10/2023.

Vùng đất Sen Hồng địa phương giàu truyền thống cách mạng anh hùng trong kháng chiến cứu nước, ngày nay đã vươn mình, phát triển về mọi mặt để trở thành vùng đất anh hùng trong thời kỳ đổi mới.

>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình Cầu Truyền hình "Niềm tin và Khát vọng" được truyền hình trực tiếp vào lúc 18 giờ ngày 01/9/2024 trên kênh HTV9, TTV và THĐT, đồng thời được tiếp sóng trên các đài phát thanh truyền hình trong cả nước.

    

Ý kiến của bạn: