Câu chuyện: Từ sa thải CEO OpenAI đến tương lai trí tuệ nhân tạo thay thế con người?

THẢO TRANG - ĐỨC AN - TRÚC QUỲNH - LAN HƯƠNG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 6/12/2023, 19:00

(HTV) - Biến cố nhân sự cao cấp ở OpenAI đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Việc Giám đốc điều hành Sam Altman của công ty công nghệ trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới này bị sa thải và sau đó được bổ nhiệm lại không chỉ gây chấn động giới công nghệ, mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai: Công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ định hình thế giới và ảnh hưởng đến con người ra sao?

Hỗn loạn nội bộ OpenAI

Ngày 17/11, OpenAI, công ty tạo ra Chat GPT đình đám vào năm 2022, thông báo sa thải Giám đốc điều hành (CEO) Sam Altman vì không còn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo công ty của ông.

Sau thông tin sa thải Altman, Microsoft, vốn là nhà đầu tư lớn trong vào Open AI, nhanh chóng tuyển dụng Altman và bổ nhiệm ông làm lãnh đạo nhóm nghiên cứu AI của mình. Ngoài ra, Microsoft còn mời cựu chủ tịch OpenAI Greg Brockman về sau khi ông từ chức ở OpenAI để phản đối việc sa thải Altman.

Ngoài Microsoft, các nhà đầu tư lớn khác như Thrive Capital, Sequoia Capital và Tiger Global, đều gây sức ép với OpenAI nhằm khôi phục vị trí cho Sam Altman và Greg Brockman. 

Giám đốc vận hành OpenAI Brad Light Cap, Giám đốc công nghệ Mira Murati, và Nhà khoa học trưởng OpenAI Ilya Sutskever đã bày tỏ sự ủng hộ Almant trên nền tảng X

Đến ngày 21/11, OpenAI cho biết họ đã đạt được thỏa thuận để đưa Sam Altman quay trở lại công ty và tiếp tục là giám đốc điều hành cùng với một hội đồng quản trị mới.

Dù câu chuyện đã tạm thời lắng xuống, nhưng việc sa thải rồi đưa Altman trở lại OpenAI cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa Atman và các thành viên hội đồng quản trị của công ty. Trong khi Atman trở thành gương mặt đại diện cho sự thương mại hóa AI Phái sinh sau khi ông giới thiệu Chat GPT và các dịch vụ hình ảnh, âm thanh, đồ họa, thì đa số thành viên hội đồng quản trị bày tỏ lo ngại sâu sắc về rủi ro an toàn do AI đặt ra khi công nghệ này ngày càng trở nên tiên tiến hơn. 

Sự ra mắt của Chat GPT và các dịch vụ AI Phái sinh sau đó đã khơi dậy cuộc đua phát triển ứng dụng AI, và tham gia cuộc chơi này là những tập đoàn khổng lồ công nghệ như Amazon, Google, Microsoft và Meta. Microsoft đã đầu tư hàng tỷ USD vào OpenAI và đưa công nghệ của họ vào sản phẩm của riêng mình, bao gồm cả công cụ tìm kiếm Bing. Google cũng không chịu kém cạnh với ứng dụng tìm kiếm Bard. 

AGI - Thế lực mới sẽ soán ngôi OpenAI

Theo giới truyền thông Mỹ, không dừng lại ở OpenAI, một trong những lý do chính khiến Sam Altman bị sa thải là vì ông và nhóm nghiên cứu của mình đã đạt được tiến bộ vượt bậc, liên quan đến một công nghệ trí tuệ nhân tạo khác là AGI (Artificial General Intelligence) khiến cho hội đồng quản trị lúc ấy của công ty phải dè chừng.

Đây là những hệ thống và cổ máy có khả năng học mọi tri thức, có nhận thức, vượt qua trí thông minh của con người, và đang khiến nhiều chuyên gia lo sợ. 

AGI có thực sự nguy hiểm?

Theo hãng tin Reuters, một nguồn tin nội bộ của OpenAI cho biết dự án Q* vẫn đang ở cấp bậc “toán tiểu học", nhưng với khả năng tự học được cải tiến với tốc độ “hàng giờ", Q* hoàn toàn có thể đạt được trình độ “toán phổ cấp", thậm chí là vượt qua. Các nhà nghiên cứu tại OpenAI tỏ ra rất lạc quan về thành công của dự án này vì họ tin rằng toán học là tiền đề của sự phát triển cho AI sáng tạo. 

AI trên đà phát triển theo hướng thương mại hóa và nhiều rủi ro hơn

Sau khi quay lại nắm quyền tại OpenAI, Altman hiện đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều. Việc nắm trong tay dự án Q* và không còn bị hội đồng quản trị cũ kiểm soát có thể thúc đẩy vị CEO này thương mại hoá các sản phẩm AI ở tốc độ nhanh gấp bội.

Altman đã nhiều lần nói về nguy cơ gây hại của AI cho thế giới, nhưng đồng thời cũng huy động hàng tỷ đô la Mỹ để phát triển mô hình siêu thông minh. Điều này làm dấy lên sự lo sợ trong giới công nghệ ở Thung lũng Silicon.

Trong lần phỏng vấn với tạp chí WIRED hôm 22/11, giáo sư Rayid Ghani của trường Đại học Carnegie Mellon, bày tỏ lo ngại khi cho rằng Altman một mặt yêu cầu thế giới điều chỉnh các công ty công nghệ để họ không “huỷ diệt thế giới” với AI, nhưng mặt khác thì lại nỗ lực biến AI ngày càng trở nên mạnh hơn.

Theo ông, những hành động này đang khiến chúng ta hoàn toàn xao lãng trước những rủi ro thực sự đang xảy ra như: tình trạng người lao động bị mất việc do công nghệ, phân biệt đối xử  và tính thiếu minh bạch.

Dù Altman cho biết vẫn sẽ “giữ nguyên cách thức hoạt động của OpenAI như trước đây”, một số chuyên gia nghi ngờ, khi không còn ai cản đường, Altman sẽ tiến lại gần hơn với Microsoft và tiến hành các dự án theo hướng thương mại hoá thay vì mục đích phi lợi nhuận như ban đầu.

Tuy nhiên, hôm 30/11, hãng tin Reuters đưa tin chủ tịch Microsoft, Brad Smith, cho hay siêu trí tuệ AGI không thể được hoàn thành trong vòng 12 tháng tới mà cần đến hàng thập kỷ nữa. Ông Smith nhấn mạnh đây là thời điểm để tập trung vào sự an toàn khi phát triển công nghệ AI.

“Điều chúng ta cần là phanh an toàn. Giống như phanh khẩn cấp trên các chiếc xe buýt, chúng ta phải có các chốt an toàn trong các hệ thống AI để kiểm soát cơ sở hạ tầng quan trọng để chúng, để đảm bảo chúng luôn nằm trong tầm kiểm soát của con người,” ông Smith nói. 

Hội nghị Liên minh AI châu Âu lần thứ tư vừa diễn ra tại Tây Ban Nha đã tập trung thảo luận chủ đề "Phát triển AI một cách đáng tin cậy trên toàn cầu". Hội nghị năm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược AI của EU khi Đạo luật AI - khung pháp lý đầu tiên trên thế giới về công nghệ này, đang chờ các nước thành viên EU phê chuẩn.

Cố gắng giảm thiểu nguy cơ thông qua phối hợp quốc tế

Theo các chuyên gia, đến năm 2028, giá trị thị trường AI có thể vượt ngưỡng 1.000 tỷ đôla Mỹ. Điều này có nghĩa, việc xây dựng hành lang pháp lý nhằm kiểm soát và ngăn ngừa những nguy cơ tiềm ẩn từ AI ngày càng cấp thiết. Liên Hiệp Quốc khẳng định các công nghệ AI cần được giám sát chặt chẽ, cho dù công nghệ phát triển đến mức nào cũng phải bảo đảm khía cạnh quyền con người luôn là yếu tố ưu tiên hàng đầu.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: