Cần cơ chế vượt trội để TP.HCM phát triển đúng mục tiêu nghị quyết 31

HOÀNG HƯƠNG - NGỌC TUẤN // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 9/6/2023, 09:27

(HTV) - Tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đề nghị tăng cường phân cấp phân quyền cho TP.HCM được chủ động xử lý các vấn đề theo nhu cầu phát triển, sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế.

Tại phiên thảo luận, đại biểu cho rằng một số nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy như trong dự thảo Nghị quyết có những nội dung không cần thiết phải do Quốc hội quyết định. 

Phiên thảo luận về việc cần cơ chế vượt trội để TP.HCM phát triển đúng mục tiêu nghị quyết 31 của Bộ Chính trị

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho biết: “Việc thành lập thêm cơ quan chuyên môn thuộc UBND để quy định tiêu chuẩn, định mức số lượng cán bộ công chức cấp xã trong khi các nội dung phân quyền cho UBND TP. Thủ Đức chưa rõ ràng. Do đó, để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp phân quyền phát huy tinh thần năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của thành phố, tôi đề nghị Quốc hội xem xét phân quyền mạnh hơn cho chính quyền TP.HCM trong công tác tổ chức bộ máy quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn".

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội

Liên quan đến việc thành lập Sở an toàn thực phẩm tại TP.HCM và triển khai thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (còn gọi là TOD), nhiều đại biểu cho rằng điều này là cần thiết và có thể tạo ra những bước phát triển mới cho thành phố cũng như trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chăm sóc sức khỏe của người dân.

Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết, trên nền tảng kế thừa tính thực tiễn và hiệu quả hoạt động trong 6 năm của mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM vẫn còn tồn tại một số điểm yếu. Khi Ban hoạt động, mô hình không tuân thủ loại hình cơ quan của Chính phủ, trong khi hoạt động như một cơ quan quản lý nhà nước, nhưng lại thiếu chức năng thanh tra, xử lý vi phạm và bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Hiện nay, các hoạt động này được phân chia ra ở 4 ngành chủ trì từng lĩnh vực khác nhau như y tế, công thương, nông nghiệp và thanh tra. Vì vậy, hợp nhất chức năng giữa các đơn vị này để đạt sự thống nhất và tránh việc chồng chéo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm là cần thiết.

Đại biểu Trần Khánh Thu -  Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: "Nếu triển khai mô hình TOD dọc theo các tuyến đường sắt đô thị và TOD xung quanh các nhà ga sẽ thay đổi toàn bộ cấu trúc đô thị, đặc điểm đi lại sẽ trở nên thân thiện với môi trường và đồng thời tạo nguồn lực tài chính thông qua việc khai thác quỹ đất. Cụ thể, TOD sẽ giúp tổ chức lại không gian đô thị và hình thành các khu đô thị sát nút giao thông với mật độ dân cư cao xung quanh các nhà ga. Từ đó, tạo điều kiện cho việc chỉnh trang lại đô thị, cung cấp thêm quỹ đất cho không gian xanh và các dịch vụ công cộng. TOD cũng hỗ trợ tăng cường tiện ích giao thông công cộng và tiếp cận các nhà ga một cách thuận tiện, dễ dàng hơn để tăng số lượng người dân sử dụng giao thông công cộng, từ đó giảm lượng phương tiện giao thông cá nhân".

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nói rằng: "Để đáp ứng nhu cầu lưu thông trong giao thông, việc đầu tư vào các dự án vùng và liên vùng là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay có một số địa phương trong vùng với điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và ngân sách Trung ương chưa cân đối nguồn vốn, dẫn đến việc nhiều dự án giao thông liên vùng chưa được triển khai trong địa giới hành chính của các địa phương khác và kết nối với TP.HCM. Vì mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố nghĩa tình và đóng góp cho sự phát triển của khu vực, cho phép TP.HCM đầu tư vào các công trình giao thông liên vùng là rất cần thiết".

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: