Cần cơ chế đột phá khơi thông điểm nghẽn cho nhà ở xã hội

HỒNG DIỄM - HỮU TRÍ – TẤN LỘC // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 28/5/2023, 15:01

(HTV) - Mặc dù nỗ lực trong xây dựng nhà ở xã hội, nhưng trong giai đoạn 2006 - 2020, TP.HCM chỉ có 32 dự án, với chưa đầy 19.000 căn được xây.

Trong năm 2021 và 2022, TP.HCM chỉ hoàn thành một dự án khu nhà ở xã hội, với 260 căn nhà. Tuy nhiên, cơ chế, quỹ đất và vốn chính là ba điểm nghẽn lớn làm giảm sức tiến của các dự án. Điều này là rất bất lợi cho một siêu đô thị đông đảo người lao động như TP.HCM. Chuyên gia cho rằng để giải quyết 3 điểm nghẽn này, cần có những cơ chế đột phá, không thể chỉ dựa vào sự nỗ lực của địa phương.

Khu đất dự án khu nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên “đứng yên bất động” sau 3 năm xin thủ tục

Thủ tục cho dự án khu đất thuộc dự án khu nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (giai đoạn 1) của công ty Lê Thành trên địa bàn huyện Bình Chánh đã kéo dài hơn 3 năm. Tuy nhiên, khu đất này vẫn chỉ là một mảnh đất trống với cây cỏ um tùm, thay vì là khu đô thị với 1.500 căn nhà ở xã hội như đã kế hoạch ban đầu. Nguyên nhân chính là chưa được điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2000 để tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất, từ đó được chấp thuận chủ trương đầu tư.

Khu đất dự án khu nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên “đứng yên” sau 3 năm xin thủ tục

Tuy nhiên, điểm nghẽn này cùng với nhiều vướng mắc khác sẽ được giải quyết nếu Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được thông qua. Trong đó, có 4 cơ chế đột phá dành cho nhà ở xã hội.

TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế khơi thông điểm nghẽn cho Nhà ở xã hội

Thứ nhất, cho phép thành phố thực hiện thủ tục lập nhiệm vụ và lập đồ án, thu thập ý kiến của người dân cũng như thẩm định đồng thời.

Thứ hai, đối với các trường hợp dự án nhà ở xã hội được hưởng các cơ chế ưu đãi về chỉ tiêu sử dụng đất, mật độ xây dựng, nếu chỉ tiêu này chưa phù hợp với đồ án hoặc kế hoạch phân khu thì kiến nghị Quốc hội cho phép chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy hoạch chung và chỉ tiêu sẽ được áp dụng theo pháp luật.

Thứ ba, ngoài đất ở và đất nông nghiệp, các hình thức sử dụng đất khác cũng nên được bổ sung để xây dựng nhà ở xã hội.

TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế khơi thông điểm nghẽn cho Nhà ở xã hội

Về đề xuất này, Ông Huỳnh Phước Nghĩa - Giám đốc Trung tâm kinh tế, luật và quản lý, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho TP.HCM: “ Phát triển các khu cao cấp như là một phần của nhà ở xã hội sẽ gặp phải nhiều khó khăn nếu cơ chế không rõ ràng. TP.HCM được biết đến là một đô thị hấp dẫn với đất giá trị và quỹ đất cao, vì vậy, thành phố sẽ chủ động quy hoạch quỹ đất phù hợp để giảm chi phí đầu vào. Chọn nơi có giá trị quỹ đất cao thì tính chất lợi ích kinh tế không tốt. Chính vì lý do này, tôi cho rằng tính chủ động trong việc quy hoạch quỹ đất rất quan trọng.”

Tính chủ động trong việc giải quyết những điểm nghẽn sẽ giúp TP.HCM khai thác tối đa tiềm năng và nguồn lực sẵn có của địa phương. Đồng thời, điều này cũng giúp giải quyết được tình trạng tồn tại nhiều năm qua: doanh nghiệp không quan tâm đến việc đầu tư vào nhà ở xã hội do cơ chế vướng và thủ tục phức tạp, trong khi lợi nhuận mang lại lại không cao.

>>> Xin mời quý vị đón xem Chương trình Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: