"Qua "HTV từ tâm dịch", tôi muốn gửi đến khán giả những cảm xúc rất trái ngược mà tôi đã trải qua trong Bệnh viện dã chiến số 6: Vui rồi lại buồn. Đau rồi sẽ vượt qua!".
"HTV từ tâm dịch" với các tập "Dã chiến", "Ngày về" đã lên sóng với rất nhiều cảm xúc và suy ngẫm. Bộ phim tài liệu này được phóng viên Trường Giang - Trung tâm Tin tức - Đài Truyền hình TP.HCM thực hiện trong suốt hơn hai tháng "nằm vùng" tại Bệnh viện dã chiến số 6. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Trường Giang - tác giả của bộ phim tài liệu này.
Phóng viên Trường Giang - Đài Truyền hình TP.HCM trong một lần tác nghiệp
* Ý nguyện ban đầu của Trường Giang khi quyết định dấn thân vào tâm dịch?
Những ngày đầu tháng 7, các bệnh viện dã chiến lần lượt được thành lập tại TP.HCM. Đây là lúc dịch bệnh đang bước vào giai đoạn nóng bỏng nhất. Khi nhìn thấy những tấm ảnh đầu tiên về không khí khẩn trương cải tạo các chung cư cũ trở thành bệnh viện, tôi cảm thấy mình không thể ngồi yên.
Tôi tự đặt câu hỏi: Các y bác sĩ đã xắn tay áo để khuân vác đồ đạc giữa nắng gắt của mùa hè, thì tại sao mình không là người đồng hành cùng họ? Mình cũng có thể trở thành chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch cùng với màu áo blouse trắng.
Với ý nghĩ này, tôi đã trình bày với Ban Giám đốc Trung tâm Tin tức HTV và nhận được sự đồng ý. Một mình – một máy – một chiếc ba lô và một quyết tâm, tôi bước vào dã chiến.
* Để vượt qua nỗi sợ hãi và khích lệ bản thân từng ngày trong vùng tâm dịch, Giang đã xử trí ra sao?
Bước vào Bệnh viện dã chiến số 6, tôi không còn thời gian để… sợ hãi. Ngày đầu tiên, tôi chạy xe máy đến bệnh viên và đứng giữa trời nắng gần 2 tiếng đồng hồ để có người dẫn vào bệnh viện. Khi đó, nhân viên bệnh viện không lúc nào ngơi nghỉ, nên việc tôi chờ đợi là hiển nhiên.
Tôi vô cùng nóng ruột vì biết rằng khi mình chờ đợi ở bên ngoài thì trong đó, họ đang khẩn trương làm mọi thứ cho người bệnh. Lúc đó, tôi chỉ khao khát được vào bệnh viện nhanh nhất để không bỏ sót khoảnh khắc nào.
Khi tôi vào đến bệnh viện thì các bác sĩ đang mặc đồ bảo hộ để lên thăm bệnh. Không còn thời gian để lo lắng nữa, tôi lập tức mặc bảo hộ và cùng y bác sĩ lên các phòng của F0. Tôi cảm thấy trong cuộc đời tác nghiệp của một phóng viên, lửa nghề và sự quyết tâm sẽ giúp chúng ta quên đi nỗi sợ.
Các y bác sĩ không lo sợ thì tôi cũng không có gì để sợ!
* Một mình tác nghiệp, Giang xoay sở thế nào? Chia sẻ một vài tình huống khó xử lý mà Giang còn nhớ!
Khó khăn lớn nhất là bản thân mình phải vừa phát hiện câu chuyện vừa quay phim, cài đặt mi-crô và bảo vệ thiết bị an toàn trong mỗi lần tác nghiệp. Trong môi trường có virus, bảo vệ đồ dùng là rất quan trọng. Tôi dùng màng bọc thực phẩm để bao bọc máy ảnh và mi-crô. Điều này gây khó khăn khi ghi hình, nhưng an toàn luôn là điều quan trọng nhất. Tôi học cách thích nghi với khó khăn này.
Nhưng khó khăn nhất là việc mình phải mặc bảo hộ nhanh hơn các bác sĩ. Ở Bệnh viện dã chiến 6, các câu chuyện đều đến rất tình cờ, tự nhiên. Vì vậy, tôi cố gắng mặc bảo hộ trong thời gian nhanh nhất, cài đặt máy móc nhanh nhất để kịp thời ghi hình.
Đôi khi quá vội vàng dẫn đến việc mất trắng âm thanh cả buổi ghi hình. Những khoảnh khắc đó mình không thể quay lại. Đó là điều khiến tôi hụt hẫng nhất vì sự vội vàng của mình!
* Giang đến bệnh viện dã chiến số 6 từ ngày nào, những điều Giang "gặt" được trong suốt thời gian lưu lại nơi này?
Tôi đến Bệnh diễn dã chiến số 6 từ 14/7/2021. Đến nay là hơn hai tháng. Ngoài tác phẩm, điều tôi nhận được nhiều nhất chính là tình người.
Một năm trước, tôi có 6 tháng đồng hành cùng ca song sinh dính nhau Trúc Nhi – Diệu Nhi. Khi ấy, tôi đã cảm nhận rõ thế nào là tinh thần y đức của bác sĩ. Nhưng cao hơn y đức chính là tình người. Các y bác sĩ đã làm mọi thứ để Song Nhi cảm thấy bệnh viện là nhà, bác sĩ là người thân.
Đến thời điểm này, quá trình tác nghiệp tại Bệnh viện dã chiến 6 cũng cho tôi cảm giác đó. Có những thời điểm chỉ 300 nhân viên y tế, hậu cần nhưng phải phục vụ cho gần 6.000 bệnh nhân. Phục vụ ở đây bao gồm cả điều trị, sinh hoạt, ăn uống và tất tần tật những gì bệnh nhân cần.
Tôi đã nhìn thấy những đôi mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, những chiếc áo bác sĩ nhăn nhúm hay những chiếc đầu được cạo trọc để dễ làm việc…. Nhiều khó khăn vượt sức chịu đựng của những bác sĩ vốn chỉ quen với việc điều trị. Thế nhưng, họ vẫn quyết tâm vì bệnh nhân. Không một lời than vãn, không ai có ý định bỏ cuộc. Điều đó là sức mạnh của ý chí, của tình người!
* Hơn hai tháng tại tâm dịch, Giang có thể chia sẻ về những khoảnh khắc bản thân xúc động mạnh nhất!
Những lần tác nghiệp sẽ không tránh khỏi sự cố. Trượt ngã trong phòng khử khuẩn, tuột dây giày bảo hộ, thậm chí rớt khẩu trang… Tôi đã "trải nghiệm" đủ!
Lần nguy hiểm nhất có lẽ là khi chiếc khẩu trang rớt một bên dây đeo, lúc ấy tôi hoảng thật sự. Bác sĩ bình tĩnh bảo tôi dùng khuỷu tay để che lại và may mắn là tôi vẫn đeo kính chắn giọt bắn. Tôi vẫn cố tác nghiệp để hoàn thành cảnh quay, phỏng vấn bệnh nhân rồi mới đi xuống.
Bác sĩ là người trực tiếp khử khuẩn cho tôi từng chút một. Bác sĩ cũng là người giúp đỡ khi tôi trượt ngã trong phòng. Những lúc mệt mỏi, vẫn là bác sĩ cho tôi C sủi hay cà phê để minh mẫn làm việc. Đến giờ cơm, bác sĩ gọi tôi đến cùng ăn với nhau. Chúng tôi cùng nhau mỗi ngày đều như vậy. Những ngày test COVID-19 định kỳ, chúng tôi trở thành "Phòng F0 hụt", vì cứ nghĩ là đã dương tính, ấy thế mà vẫn âm (cười)!
Những điều này, tôi khắc ghi trong lòng. Tình cảm to lớn này, không tiền bạc nào mua được. Họ là những người cho tôi thêm động lực to lớn để không ngừng chiến đấu!
* Trong giây phút lặng người đứng giữa những xao động, bộn bề nơi tâm dịch, Giang đã cảm nhận, suy nghĩ những gì?
Chuyện xảy ra trong một lần tác nghiệp tại phòng Hồi sức – nơi điều trị cho những ca nặng nhất. Tôi nhìn thấy một bệnh nhân nữ cao tuổi đang nằm thở máy rất đều đặn. Sau khi quay xong, tôi ra ngoài khử khuẩn và chờ bác sĩ ra để phỏng vấn.
Nhưng thay vì thấy bác sĩ đi ra, tôi đã thấy chiếc băng ca đưa thi thể của cô lên xe cấp cứu. Trong dã chiến không có túi đựng thi thể. Cô được bao bọc trong chiếc mền của bệnh viện, đầu được quấn bằng túi ni-lông.
Tôi như chết lặng. Chỉ 10 phút trước, tôi còn thấy nhịp thở đều đặn của cô.
Tôi ngồi với bác sĩ rất lâu. Anh đã chia sẻ với tôi: “Điều buồn nhất của tụi anh là bất lực nhìn bệnh nhân ra đi. Tụi anh phải học cách vượt qua nỗi đau đó, vì sau lưng tụi anh là hàng chục bệnh nhân nặng cần bình tĩnh xử trí. Em cũng phải học cách vượt qua điều đó. Và nếu được, thay vì làm về nỗi buồn – sự mất mát, em hãy đi về phía những câu chuyện cổ tích”.
* Qua "HTV từ tâm dịch", Trường Giang kỳ vọng sẽ gửi đến khán giả những thông điệp gì?
Nếu tập 1 "HTV từ tâm dịch" cho khán giả cái nhìn chân thực về bức tranh một cuộc sống rất khác bên trong bệnh viện dã chiến thì tập 2 "HTV từ tâm dịch" là những câu chuyện cuộc sống về sự trở về. Đó có thể là cổ tích giữa đời thực như anh bác sĩ mong muốn. Nhưng cũng có không ít hiện thực đôi khi đau buồn mà ta phải chấp nhận.
Trong chiến trường "Dã chiến" nóng bỏng không tiếng súng giữa tâm dịch, có những lời nói dối thật… chân thành! Và trong "Ngày về" là những cảm xúc rất trái ngược mà tôi đã trải qua trong Bệnh viện dã chiến số 6: Vui rồi lại buồn. Đau rồi sẽ vượt qua!
Cảm ơn Trường Giang vì những chia sẻ quý giá này. Chúc Giang cùng các y bác sĩ và người dân sẽ luôn mạnh khỏe. Chúc TP.HCM bình an trong bình thường mới!