(HTV) - Tại Pháp, các nhà khoa học đang nghiên cứu cách bảo tồn những hệ sinh thái mới phát lộ sau khi các sông băng tan chảy. Những vùng đất này dường như có khả năng giữ lại carbon, nước, duy trì sự đa dạng sinh học.
Tại vùng núi cao 2000 mét có sông băng, còn gọi là băng hà, lớn thứ tư của Pháp, nhóm các nhà khoa học ở Annecy đang nghiên cứu hiện trường và trong phòng thí nghiệm về sự biến đổi của băng hà.
Biến đổi khí hậu đang khiến các sông băng tan chảy nhanh hơn bao giờ hết. Nguồn ảnh: AP
Các nhà khoa học này tin rằng chúng có vai trò quan trọng trong việc giảm tác động, thậm chí thích nghi với biến đổi khí hậu. Chẳng hạn các vùng đất này có thể lọc và giữ lại nước ngọt, cô lập carbon vốn làm Trái Đất nóng lên. Vì vậy người ta đang vận động cho một thỏa thuận quốc tế để bảo tồn các vùng mới phát lộ.
"Chúng tôi xác định những loài đầu tiên xuất hiện ở đất mới. 20 năm trước ở đây không có sự sống nào tồn tại, nhưng bây giờ đã khác. Đáng lo là những vùng đất có hệ sinh thái mới với khả năng cô lập, tồn trữ các loại khoáng chất có thể trở thành mục tiêu săn lùng của con người để phục vụ lợi ích kinh tế của họ." - Chuyên gia Jean - Baptiste Bosson, thuộc dự án "Ice&Life" nhận định.
Vùng núi băng tuyết ở Alps, nước Pháp. Nguồn ảnh: AP
Người ta tính ra rằng trong giai đoạn khí hậu Trái Đất nóng lên bắt đầu từ cuối thế kỷ 19 đến nay trong vùng núi Alps của Pháp băng tan làm phát lộ 400 km vuông đất mới, tức gấp 4 lần diện tích Paris. Trên bình diện thế giới, người ta đếm được 210.000 vùng băng hà, những vùng lộ ra sau khi băng tan đến năm 2100 có thể bằng diện tích Nepal hay Phần Lan, tùy theo kịch bản khí hậu Trái Đất nóng lên.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9