(HTV) - Theo một bài báo đăng trên Tạp chí Nature, 24% các loài động vật nước ngọt có nguy cơ tuyệt chủng cực cao do các yếu tố của con người như tình trạng ô nhiễm, các đập nước, khai thác nước, và biến đổi khí hậu.
Môi trường nước ngọt chỉ chiếm 1% bề mặt hành tinh, nhưng lại nuôi dưỡng 10% tất cả các loài động vật, và phần lớn sự đa dạng sinh học quý giá này đang có nguy cơ tuyệt chủng cực cao.
Cá bơi tại một nhánh sông bị ô nhiễm, tại Brumadinho, Brazil, ngày 29/01/2019. Nguồn ảnh: AP
Đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu đánh giá các loài nước ngọt, trong khi những nghiên cứu trước đây tập trung vào nhóm động vật trên cạn, bao gồm chim chóc, động vật có vú và bò sát.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong số 23.500 loài động vật nước ngọt, thì gần 1/4 được phân loại là dễ bị tổn thương, có nguy cơ tuyệt chủng hoặc cực kỳ nguy cấp. Trong số đó gồm cả chuồn chuồn, cá và cua, những loài phụ thuộc vào hệ sinh thái nước ngọt.
Không giống như sự bao la của đại dương, động vật trong hệ sinh thái nước ngọt dễ bị tổn thương hơn vì chúng gần với con người. Sự kết nối giữa các hệ thống nước ngọt là một yếu tố chính khác, vì ô nhiễm ở thượng nguồn sông có thể nhanh chóng lan rộng dọc theo chiều dài của con sông.
Nước ngọt cũng chịu ảnh hưởng từ việc khai thác cho nông nghiệp, nước uống của con người, sự du nhập của các loài xâm lấn.
Vỏ chai nhựa trôi trên sông Sava tại Châu Âu, ngày 28/05/2013. Nguồn ảnh: AP
Theo Ian Harrison - đồng Chủ tịch Uỷ ban Bảo tồn nước ngọt, và đồng Tác giả bài báo trên Tờ báo Nature cho biết, tình hình thực tế có thể còn tệ hơn những gì nghiên cứu chỉ ra. Ông Harrison nói: "Chúng ta không có đủ thông tin để nói chính xác về mức độ đe dọa mà chúng đang đối mặt. Nhưng khả năng là phần lớn trong số chúng đang bị đe dọa. Theo tôi, số lượng các loài bị đe dọa có thể còn nhiều hơn con số mà chúng ta đang biết”.
Các dự án xây đập cũng gây tàn phá cho các loài nước ngọt địa phương, do những dự án này khiến động vật khó tiếp cận những địa điểm sinh sản và theo đó, hạn chế cơ hội sinh sản.
Ông Harrison cho hay: “Khi con người xây đập, là chúng ta chia cắt dòng chảy, và điều đó khiến các loài di cư không thể đến được nơi sinh sản của chúng. Vì vậy, các quần thể ở thượng nguồn sẽ không thể hòa nhập cùng các quần thể ở hạ nguồn”.
Tảo nở hoa trên sông Caloosahatchee tại đập W.P.Franklin, ở Alva, Florida, Mỹ, ngày 12/07/2018. Nguồn ảnh: AP
Biến đổi khí hậu cũng đang ảnh hưởng đến các hệ sinh thái nước ngọt và cháy rừng cùng nạn phá rừng đã gây ra sự tàn phá cục bộ ở những nơi đa dạng như Amazon và Úc. Bài báo phân tích hơn một nửa số loài bị đe dọa trong nghiên cứu được coi là bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm, 39% do đập và khai thác nước, 37% do thay đổi mục đích sử dụng đất và các tác động liên quan từ nông nghiệp, và 28% do các loài xâm lấn và bệnh tật.
Các tác giả kết luận rằng những kết quả này làm nổi bật nhu cầu cấp thiết phải giải quyết các mối đe dọa để ngăn chặn sự suy giảm và mất mát thêm các loài. Các sáng kiến như dự án phục hồi cá hồi Prairie Creek ở Công viên quốc gia Redwoods, California - Nơi đã biến đất canh tác thành môi trường sống cho cá hồi và là một ví dụ về những thay đổi mà con người có thể thực hiện để đảo ngược mối đe dọa tuyệt chủng này.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9