"Xóa" dự án "treo" tại TP.HCM: Cần quyết tâm hơn, giải pháp quyết liệt hơn

Hồng Diễm 24/3/2023, 14:19

(HTV) - Người dân khu Mả Lạng (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1,TP.HCM) sẽ được khôi phục nhiều quyền lợi sau khi TP.HCM thống nhất thu hồi, dừng chủ trương đầu tư dự án tại khu vực này.

Đây là một trong những nỗ lực của thành phố nhằm “xóa” dự án “treo”, đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi.

Người dân khu Mả Lạng sẽ được khôi phục nhiều quyền lợi

Khu Mả Lạng hay còn gọi là tứ giác Nguyễn Cư Trinh, giới hạn bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh, thuộc quận 1, TP.HCM. Cách đây 20 năm, TP đã có chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng với tổng diện tích 6,8 ha nhằm chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn chưa thể thực hiện nên UBND TP.HCM đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư trình xử lý thu hồi, chấm dứt chủ trương đầu tư dự án. 

Khu Mả Lạng có 2.356 hộ dân, 7.638 nhân khẩu. Người dân sinh sống đa phần là dân lao động và có hoàn cảnh khó khăn.

Sau khi dự án này bị thu hồi, nhiều quyền lợi của người dân sẽ được khôi phục như trước thời điểm có dự án, gồm: mua bán, cho tặng, thừa kế, cầm cố. Điều này nhận được sự ủng hộ của người dân tại khu vực Mả Lạng. 

Ông Nguyễn Minh Đức, người dân khu phố 8, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 chia sẻ: “Người dân ở khu vực này đa phần là lao động nghèo, gắn bó hàng chục năm. Khi được thông báo thu hồi dự án này, người dân phấn khởi lắm. Nhà cửa sẽ được sửa sang khang trang lên, cuộc sống ổn định hơn.“

Ông Nguyễn Minh Đức - người dân khu phố 8, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP.HCM

"Sau khi có văn bản chính thức về việc thu hồi, dừng chủ trường đầu tư dự án, UBND phường sẽ tích cực hỗ trợ cho người dân đối với việc xin cấp phép xây dựng", ông Phạm Hoài Quang, Chủ Tịch UBND phường Nguyễn Cư Trinh cho biết.

Ông Phạm Hoài Quang  Chủ Tịch UBND phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1, TP.HCM

 Theo quy hoạch, 6,8 ha ở tứ giác Nguyễn Cư Trinh là khu phức hợp nhiều chức năng như văn phòng, nhà ở... Do đó, việc xây dựng vẫn phải căn cứ theo quy hoạch 1/2000 đã công bố. 

Căn nhà diện tích 7m2 là nơi sinh sống của 10 nhân khẩu.

 “UBND quận 1 sẽ xem xét cấp giấy phép xây dựng cho dân theo quy định của Luật Xây dựng và các luật khác có liên quan. Địa phương sẽ thông báo để phường triển khai cho người dân trong khu vực được rõ. Thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo nghị định 15/2021 của chính phủ", ông Nguyễn Thành Phát, trưởng phòng Quản lý đô thị Quận 1 thông tin thêm.

Ông Nguyễn Thành Phát - Trưởng phòng Quản lý đô thị Quận 1, TP.HCM

"Xóa" dự án "treo": cần quyết tâm lớn, giải pháp quyết liệt hơn

Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho đến năm 2020, Thành phố đã thu hồi chủ trương thực hiện đối với 169 dự án, tương đương diện tích 752,09ha. Thành phố có 226 dự án cần xem xét tiếp sau 169 dự án trên. 

"Thành phố quyết tâm đối với dự án nào có thu hồi đất mà qua 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà không triển khai thì phải chấm dứt chủ trương để người dân thực hiện quyền của mình. Đương nhiên, mong muốn của thành phố là dự án triển khai nhanh, nhưng không đồng nghĩa giao cho nhà đầu tư không làm thì ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân", ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và môi trường TP.HCM khẳng định. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài Nguyên và môi trường TP.HCM

Nhìn từ các dự án "treo" nhiều năm tại TP.HCM, khó khăn lớn nhất là vấn đề bồi thường cho người dân có đất bị thu hồi. Chủ đầu tư và người dân không đạt được sự đồng thuận dẫn đến dự án kéo dài từ năm này qua năm nọ. Chủ đầu tư không đủ năng lực, tiềm lực về tài chính sẽ dẫn đến hệ quả chung là rút lui hoặc bị thu hồi dự án. 

Chính vì thế, để “xóa” được các dự án treo, theo Luật sư Lê Thành Kính, cùng với đảm bảo quyền lợi của người dân, cần phải hỗ trợ nhiều hơn cho các chủ đầu tư và hoàn thiện về cơ chế.

“Cần hỗ trợ thêm cho nhà đầu tư về thủ tục hành chính nhanh, gọn, tránh kéo dài, hỗ trợ thêm về vấn đề vay vốn với lãi suất thấp trong thời gian dài. Đặc biệt, làm thế nào hoàn thiện chính sách về đất đai, nhất là đối với TP.HCM, cho cơ chế đặc thù thì phải lâu dài, chứ 5 năm lại sửa đổi một lần Nghị quyết này sang Nghị quyết khác cũng không làm được gì cả”, luật sư Lê Thành Kính, Giám đốc công ty luật TNHH Lê Nguyễn nhận định.

Luật sư Lê Thành Kính - Giám đốc công ty luật TNHH Lê Nguyễn 

Cũng theo các chuyên gia, “xóa" dự án “treo” là một bài toán khó, đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của TP.HCM với những giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn.

Xin mời quý vị đón xem những hình ảnh, thông tin chi tiết hơn trong chương trình thời sự của HTV lúc 20h trên HTV9

 

Ý kiến của bạn: