(HTV) - TP.HCM sẽ hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong đô thị văn minh và người dân là đối tượng quan trọng cần tuyên truyền để nhận được sự đồng thuận, có như vậy việc này mới thành công.
Đó cũng chính là nội dung được các đại biểu nhấn mạnh tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM với các Sở ngành về tình hình thực hiện Nghị quyết số 25 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn TP.HCM.
TP.HCM sẽ hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong đô thị văn minh
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, tính đến hết năm 2022, thành phố có 56/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5/5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí đặt ra trong giai đoạn 2016 - 2020.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, chương trình này sẽ có thêm nhiều chuyên đề mới với yêu cầu cao hơn, hướng đến mục tiêu: Nông thôn mới trong đô thị văn minh. Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM Đinh Minh Hiệp, 6 tháng đầu năm Sở đã hoàn thiện khung pháp lý với 11 nội dung. Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới năm nay có thêm 6 chương trình chuyên đề, UBND đã giao Sở phục trách chuyên đề OCOP, cụ thể nghiên cứu xây dựng chuyên đề trong giai đoạn mới. Mục tiêu đến năm 2023, xây dựng nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại.
UBND đã giao Sở phục trách chuyên đề OCOP
Phát biểu tại buổi giám sát, có ý kiến băn khoăn về sự thay đổi trong các quy định, dẫn đến nhiều khó khăn. Đơn cử như quy định phân loại rác tại nguồn theo luật của Bộ Tài nguyên - Môi trường là phân thành 3 loại, gồm: chất thải thực phẩm, chất thải có thể tái sử dụng và chất thải còn lại, nhưng thành phố đang thực hiện theo Quyết định 09, là chỉ còn 2 loại, gồm: chất thải có thể tái sử dụng và chất thải còn lại.
Điều này dẫn đến sự lúng túng của địa phương khi áp dụng vào thực tế, ông Võ Phan Lê Nguyễn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết: "Về tiêu chí môi trường, huyện cũng đang thực hiện theo các chỉ đạo của Sở. Tuy nhiên cũng cần có biểu hiện cụ thể phân loại rác. Lúc đầu 3 loại, sau đó 2 loại. Nên cần có hướng dẫn cụ thể, bởi khi tuyên truyền cho người dân rồi thì triển khai phải đúng, chứ thay đổi một chút là rất khó".
Quy định phân loại rác tại nguồn theo luật của Bộ tài nguyên môi trường là phân thành 3 loại
Các đại biểu đều đồng tình, công tác tuyên truyền đến người dân rất quan trọng. Thông tin cần phải rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu và có mục tiêu rõ ràng, tránh thay đổi quy định liên tục. Đặc biệt phải để người dân đồng thuận và cùng thực hiện, nếu không sẽ rất khó khăn.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nhấn mạnh: "Có nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng chủ yếu nâng cao lên, trong đó phải duy trì cái cũ. Và vấn đề thiết thực là phải đặc biệt nâng cao thu nhập người dân. Bởi nếu báo cáo nông thôn mới đạt tốt nhưng thu nhập khó khăn thì ảnh hưởng đến hiệu quả xã hội. Phải tập trung làm cho nông thôn mới mang lại hiệu quả và được người dân công nhận".
Bà Tuyết cũng cho biết, sẽ báo cáo UBND TP.HCM để trình Chính phủ hoặc Quốc hội các kiến nghị thuộc thầm quyền của cấp trên, từ đó những vướng mắc sẽ kịp thời tháo gỡ và được hướng dẫn ngay từ đầu để tránh bị động về sau.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9