TP.HCM cần xác định đúng thế mạnh để thu hút FDI trong bối cảnh mới

HỒNG DIỄM - THANH PHONG // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 14/5/2023, 20:49

TP.HCM là địa phương có nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhất cả nước, tuy nhiên thời gian gần đây khả năng thu hút nguồn vốn ngoại có xu hướng chững lại và chịu áp lực cạnh tranh từ nhiều địa phương khác.

Kết quả thu hút FDI 4 tháng đầu năm 2023 của thành phố đã sụt giảm về số dự án và số vốn. Trong bối cảnh thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng, chính sách ưu đãi về thuế không còn là lợi thế, thành phố cần phải có những đánh giá đầy đủ, xác định đúng thế mạnh của mình nếu không muốn bị "hụt hơi" so với các địa phương khác trong thu hút dòng vốn FDI giai đoạn mới. 

 FDI 4 tháng đầu năm 2023 của thành phố đã sụt giảm về số dự án và số vốn

 Tại tọa đàm khoa học lấy ý kiến về đề án "Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" do Viện Nghiên cứu phát triển thành phố tổ chức, các chuyên gia nhấn mạnh: không phải TPHCM không thu hút được dự án FDI mà vướng mắc chính là ở khả năng hấp thụ dòng vốn, khả năng đáp ứng các điều kiện của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư thế hệ mới. 

 Ông Trần Văn Bích, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết: "Đầu tư vào các lĩnh vực mà chúng ta khuyến khích như là nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, Công nghcông nghệ cao. Chúng ta kỳ vọng đề án này giúp xây dựng cơ sở khoa học tham mưu cho TP.HCM giải quyết vấn đề này. Ví dụ như là TP.HCM quỹ đất không nhiều, các tập đoàn có thể đầu tư nhà máy ở địa phương khác nhưng trung tâm nghiên cứu phát triển".

Tọa đàm khoa học lấy ý kiến về đề án "Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025

Điều này một lần nữa khẳng định về vai trò quan trọng của liên kết vùng. Phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế của TP.HCM nói chung không thể tách rời với các vùng. 

 Ông Đào Minh Chánh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết: "Hiện nay trong liên kết vùng, có 3 NQ quan trọng: 24 về Đông Nam Bộ, 13 về Đồng bằng sông Cửu Long và Nghị quyết 31. Đó là cơ sở để TP.HCM và các tỉnh phát triển liên kết vùng, cơ sở xây dựng hạ tầng để phát triển trong giai đoạn tới".

Các chuyên gia nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, khi thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu được áp dụng, "Ưu đãi thuế không còn là lợi thế ", mà "môi trường đầu tư" sẽ trở thành yếu tố cạnh tranh dòng vốn ngoại giữa các địa phương. 

Ông Phạm Phú Trường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM: "Đề xuất, cần có định nghĩa cụ thể về nhà đầu tư chiến lược mà TPHCM muốn thu hút. Theo ông, đó phải là những nhà đầu tư có thể mở ra không gian phát triển mới cho TP, kéo theo nhiều nhà đầu tư khác".

Ông Ngô Nghị Cương, Giám đốc Điều hành công ty C+ Consult: "Một điểm mà TP.HCM không thể bỏ qua là các nhà đầu tư hiện hữu. Bởi vì trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang đứt gãy, những doanh nghiệp lớn bị đứt gãy ở đất nước khác họ có thể mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Không thể bỏ lỡ các nhà đầu tư này". Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, để thu hút đầu tư hiệu quả, điều quan trọng là cần xây dựng các tiêu chí cụ thể, rõ ràng với lộ trình thực hiện chi tiết để giúp nhà đầu tư có sự chuẩn bị phù hợp. 

Đặc biệt, điều quan trọng bậc nhất, TP.HCM phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận các nguồn lực: vốn, đất đai một cách hiệu quả theo cơ chế thị trường. Bởi, nếu có chính sách ưu đãi hấp dẫn nhưng thủ tục nhiêu khê, khó khăn và gây tốn kém thì rất khó để "lọt vào mắt xanh" của các nhà đầu tư ngoại. 

>>> Xin mời quý vị đón xem chương trình thời sự của HTV lúc 20G mỗi ngày trên HTV9



 
Ý kiến của bạn: