(HTV) – Sáng 8/5, Quốc hội xem xét dự án Luật sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, đề xuất tổ chức lại hệ thống Tòa án theo mô hình ba cấp để tinh gọn bộ máy, nâng hiệu quả tư pháp.
Trình bày Tờ trình trước Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, dự thảo luật lần này đưa ra phương án chấm dứt hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp huyện, thay vào đó là việc thành lập Tòa án nhân dân khu vực. Mô hình mới sẽ gồm 3 cấp: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và Tòa án nhân dân khu vực.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Theo đó, các Tòa án sơ thẩm chuyên biệt hiện nay sẽ được chuyển đổi thành các tòa chuyên trách trực thuộc Tòa án khu vực. Đồng thời, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cấp tòa án cũng được phân định lại một cách rõ ràng, phù hợp với vị trí, chức năng trong hệ thống.
Cụ thể, Tòa án nhân dân tối cao được bổ sung nhiệm vụ xét xử phúc thẩm đối với các bản án, quyết định hình sự của Tòa cấp tỉnh chưa có hiệu lực pháp luật nếu bị kháng cáo, kháng nghị. Để đáp ứng khối lượng công việc mới sau khi tiếp nhận nhiệm vụ từ Tòa án cấp cao, số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ tăng từ mức 13–17 hiện nay lên 23–27 người.
.webp)
.webp)
Các hình ảnh tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng ngày 8/5/2025
Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong hệ thống tư pháp, đảm nhiệm xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự có khung hình phạt cao nhất từ 20 năm tù trở lên, bao gồm cả tù chung thân và tử hình, cũng như các vụ án nghiêm trọng, phức tạp khác.
Trong khi đó, Tòa án nhân dân khu vực – đơn vị mới được thành lập – sẽ thụ lý xét xử sơ thẩm tất cả các vụ án, vụ việc dân sự, hành chính, hình sự theo quy định pháp luật và các việc khác thuộc thẩm quyền.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội đánh giá cao định hướng cải cách tư pháp trong dự thảo. Cơ quan này cho rằng mô hình tổ chức mới không chỉ phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng mà còn đảm bảo tính hợp hiến, thống nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia, đồng thời tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ủy ban cũng ghi nhận nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc đổi mới tư duy lập pháp, hướng đến xây dựng một nền tư pháp chuyên nghiệp, hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9