Khi nói đến Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, chúng ta liên tưởng ngay đến nơi đó sẽ mang những dấu ấn của Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, vị lãnh tụ tài ba đã lãnh đạo và chiến đấu để dân tộc Việt Nam sống trong độc lập.
Không gian Văn hóa dùng chỉ phạm vi không gian được xây dựng từ các chủ thể XYZ để hình thành ra nét đặc trưng của một nơi nào đó. Đó có thể một lãnh thổ, một khu vực, một quốc gia, một vùng, miền và không gian văn hóa chính là linh hồn của những nơi này. Chính vì vậy, cho nên khi nói đến quốc gia N, hoặc lãnh thổ G, chúng ta sẽ biết ngay đặc trưng ở đây là gì và ngược lại.
Không gian văn hóa và Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh không khác biệt nhau nhiều, vì cùng nói lên cái đặc thù được sở hữu, đó là một bên chỉ về vùng, miền, lãnh thổ, quốc gia, còn một bên là nói về con người. Khi nói đến Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, chúng ta liên tưởng ngay đến nơi đó sẽ mang những dấu ấn của một Anh hùng giải phóng dân tộc, một Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam, một vị lãnh tụ tài ba đã lãnh đạo và chiến đấu để dân tộc Việt Nam sống trong hòa bình độc lập. Trong thực tế, khi nghe đến cụm từ “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh”, thì sự liên tưởng của mọi người sẽ dẫn nhanh đến những địa chỉ có liên quan đến tên của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Và nếu hỏi, ở TP.HCM có gì liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì câu trả lời đó là Bến Nhà Rồng, là con đường mang tên Nguyễn Tất Thành, là Bảo tàng Hồ Chí Minh…
Vậy, muốn xây dựng một Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh thì phải quảng bá sâu và dài lâu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tất cả mọi người ở mọi tầng lớp trong xã hội hiểu một cách thấu đáo. Khi đã hiểu một cách thấu đáo rồi thì mặc nhiên hiểu được cái đặc trưng của không gian văn hóa này là gì. Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh không thể hình thành trong tích tắc, hay một sớm, một chiều, mà phải có thời gian và kế hoạch hoàn chỉnh.
Chúng ta hãy thử phân tích, bản sắc văn hóa cộng đồng là gì? có phải là cái mà khi nhắc đến cộng đồng đó thì người ta biết ngay? Vậy, nếu bản sắc văn hóa của một cộng đồng chính là cái làm cho cộng đồng đó có sự khác biệt so với cộng đồng khác, thì TP.HCM đã có sự khác biệt đó. Những khác biệt đó là gì? Đó là TP.HCM có dòng sông, bến tàu, nơi chứng kiến chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước mà những thành phố khác không có. Vậy thì Bến Nhà Rồng, tên dòng sông, tên bến tàu là đặc trưng, là cái mà khi nhắc đến, người ta nhớ ngay đến nơi ngày xưa Hồ Chí Minh - tức Bác Hồ - xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước. Con đường Nguyễn Tất Thành hay Bảo tàng Hồ Chí Minh không phải riêng chỉ ở TP.HCM mới có, mà trong 63 tỉnh thành cũng đã có nơi có, ví dụ như Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, con đường Nguyễn Tất Thành cũng có ở các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Lào Cai…; do đó, hai địa chỉ này được cho là một trong những đặc trưng trong Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một yếu tố trong xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh vì tạo được nhiều điểm tích cực trong đời sống nhân dân, xã hội. Có hiểu biết về Hồ Chí Minh, thì mới vững tâm học theo phong cách sống, phong cách làm việc, cả phong cách giải trí… đây chính là Văn hóa Hồ Chí Minh. Nhiều văn nghệ sĩ đang sống và làm việc tại TPHCM đều có chung suy nghĩ, việc xây dựng một Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh là điều cần thiết sau khi Sài Gòn được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để phát huy được hết vai trò cũng như giá trị của Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh trong không gian văn hóa công cộng ở TPHCM, trước hết, cần có một bản đồ quy hoạch cụ thể và hợp lý về không gian, chia ra những khu vực cố định và khu vực thay đổi linh hoạt, có sự liên kết và đồng bộ giữa các lĩnh vực mỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch…; các tác phẩm trưng bày phải có giá trị nghệ thuật, đảm bảo nhu cầu thưởng thức cho người dân. Ngoài ra, để thành phố có sức cuốn hút, thuyết phục, đi xa thì nhớ, phải tìm ra những nét riêng của thành phố, đó là những sản phẩm văn hóa đặc thù của vùng đất Nam bộ nhân ái, nghĩa tình; sự quan tâm, hồn hậu, mến khách, nhiệt tình, năng động, cởi mở… cũng là yếu tố để xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh.
Do đó, muốn xây dựng một Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh cần thiết phải có hàng loạt thiết chế văn hóa tương xứng, mà lãnh đạo TP.HCM phải là đầu tàu, có sự định hướng rõ ràng, cụ thể, mang tính chiều sâu, chiến lược, lâu dài, trong xây dựng và phát triển Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, những địa điểm thưởng thức văn hóa nghệ thuật miễn phí cũng cần thiết phải có, thường xuyên, cố định, trọng tâm là phục vụ cộng đồng.
Đến nay, nhiều người dân vẫn còn chưa hiểu hết về cái tên gọi Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh và họ cũng cho rằng TP.HCM hầu như chưa có nhiều điểm nhấn và đặc trưng rõ nét về một Văn hóa Hồ Chí Minh. Vì thế, thành phố nên lập thêm những không gian văn hóa mở, ở nhiều khu vực khác nhau về Hồ Chí Minh để thu hút người dân đến tìm hiểu, tham quan, đặc biệt là những người trẻ; phải nghiên cứu thêm nhiều nữa để có thêm những công trình, những thiết chế gắn với cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những dấu mốc gắn với di sản Hồ Chí Minh, hiện thân của những giá trị văn hóa, nhân văn mang tầm thời đại.