Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM là một nội dung trọng tâm được đề ra tại Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI.
Đây là một nhiệm vụ nặng nề, chưa có tiền lệ, nội hàm khá rộng nên cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tất cả cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên thành phố. Một trong những công việc mà tất cả cán bộ, đảng viên có thể tham gia thực hiện đó là tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác thực tiễn, trong sinh hoạt, ở cơ quan, ở nơi cư trú.
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh có thể là những không gian cụ thể, như các di tích lịch sử có liên quan đến Bác Hồ (chẳng hạn Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh TPHCM, di tích nhà số 5 Châu Văn Liêm, Quận 5…); các địa chỉ đỏ, nơi lưu dấu ấn đấu tranh cách mạng kiên cường của các thế hệ đồng bào, chiến sĩ vì tin tưởng và đi theo con đường của Bác Hồ đã chọn; là các công trình, sản phẩm vật chất thể hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người (như góc trưng bày hình ảnh, tác phẩm về Hồ Chí Minh…); là các công trình phục vụ đời sống của người dân theo tư tưởng của Người…
Đồng thời, không gian văn hóa Hồ Chí Minh còn là sự lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho nét đẹp văn hóa, đạo đức thấm sâu vào mỗi người dân thành phố, là động lực tinh thần, là nguồn sức mạnh đặc thù của con người ở thành phố mang tên Bác Hồ. Tức là, không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM là sự tiếp biến, chuyển hóa các tinh hoa, giá trị trong tinh thần, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để trở thành chất lượng sống, nếp văn hóa, đặc điểm văn minh… hiển hiện tại thành phố, nhất là những nơi thể hiện rõ trách nhiệm phục vụ người dân thành phố (trụ sở các cơ quan công quyền, các cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ dân sinh…), ở các cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị.
Ở cả hai mặt này, sự tham gia của cán bộ, đảng viên đều rất cụ thể, thiết thực; tức là trong điều kiện của mỗi người, chúng ta đều có thể có đóng góp phần nào vào việc xây dựng các không gian văn hóa vật thể và không gian văn hóa phi vật thể.
Đối với không gian văn hóa vật thể, chúng ta có thể đóng góp các loại ấn phẩm về Bác Hồ, về việc học tập và làm theo Bác, như sách, phim, ảnh, tập nhạc, đĩa thu âm bài hát ca ngợi Bác Hồ, tác phẩm sưu tầm về Bác… đến các cơ quan, đơn vị. Chúng ta có thể vận động nhiều người đến tham quan, thưởng lãm và làm lan tỏa giá trị, tích cực giới thiệu những nét độc đáo của không gian văn hóa vật thể thông qua các hình ảnh, bài viết cộng tác với báo chí, các trang cộng đồng, kể cả trên trang mạng xã hội của cá nhân mình. Chúng ta có thể góp phần tôn tạo, gìn giữ cũng như kêu gọi cộng đồng chung tay góp công góp sức làm cho các không gian này trở nên đa dạng hơn, phong phú hơn, sinh động hơn, ý nghĩa hơn…
Thí dụ, ở khu dân cư nơi chúng ta đang sinh sống, chi bộ khu phố tổ chức một không gian văn hóa Hồ Chí Minh với góc trưng bày ảnh, sách về Bác, là nơi người dân, thanh thiếu niên có thể đến để đọc sách, xem hình ảnh, tham gia một số hoạt động văn hóa, văn nghệ lành mạnh… Trong điều kiện cụ thể của mình, mỗi người có thể hiến thêm sách, các đĩa nhạc về Bác, tặng các dụng cụ thể chơi thể thao, tham gia quét dọn, trồng cây xanh, tặng bàn ghế trong khu vực này…; đồng thời giới thiệu rộng rãi đến mọi người xung quanh để đến tham quan, thưởng lãm.
Đối với không gian văn hóa phi vật thể, có thể coi là “hồn cốt” của các giá trị Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong việc chăm lo, phục vụ nhân dân, cán bộ, đảng viên thực sự có trách nhiệm chứ không phải tham gia được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu gương về năng lực, phẩm chất, đạo đức, lối sống từ trong cơ quan cho đến nơi cư trú với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” trên các lĩnh vực, các khía cạnh. Bên cạnh đó, đảng viên phải thể hiện rõ năng suất và hiệu quả làm việc, phải xung phong nhận các nhiệm vụ khó khăn, nặng nề, tích cực đề ra các giải pháp mới, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác… Luôn thể hiện tinh thần, thái độ “vì nhân dân phục vụ”, như bảo đảm thực hiện đúng “4 xin, 4 luôn” (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ) trong khi thi hành công vụ; không có thái độ hách dịch, quan cách, nhũng nhiễu... Phải xây dựng đạo đức văn hóa và đạo đức công vụ trên tinh thần “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”, “lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân”…
Chẳng hạn, đảng viên phải thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, như “chất lượng trên hết”, “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo”, “làm hết việc chứ không hết giờ”, “quan tâm đến nguyện vọng, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân”… Do đó, phải luôn nắm bắt đầy đủ đặc điểm, yêu cầu, nguyện vọng của các chủ thể do mình quản lý, phụ trách để có thể đề ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời, phù hợp… Tức là, cán bộ, đảng viên phải tích cực tham gia vào việc tạo nên hình ảnh mang tính khuôn mẫu, biểu tượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không chỉ trong công tác mà còn ở đời thường, không chỉ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ mà còn trong lối sống, sinh hoạt…
Trách nhiệm của cán bộ, đảng viên phải chủ động, tích cực tham gia xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở cả khía cạnh vật chất lẫn phi vật chất, bởi không thể có không gian văn hóa Hồ Chí Minh đúng nghĩa nếu chỉ có các công trình, vật thể mà người dân không thấy được các yếu tố văn hóa, văn minh, đạo đức rõ nét trong cán bộ, đảng viên. Tức là, chỉ khi người dân nhận rõ các lợi ích, giá trị mình được thụ hưởng từ các công trình, sản phẩm của cán bộ, đảng viên khi thực hiện nhiệm vụ của mình thì chính nơi đó không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã được thể hiện đầy đủ. Như vậy, việc học tập và làm theo gương Bác một cách tốt nhất chính là đã tham gia tích cực vào việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở từng địa phương, đơn vị.