"Thuận thiên" phát triển Cần Giờ

NGỌC PHƯỢNG - KHÁNH TOÀN - KIM LOAN - HOÀNG TÂN // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 15/8/2023, 09:00

(HTV) - TP.HCM định hướng phát triển Cần Giờ đến năm 2030 trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.

Siêu Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ với tổng mức đầu tư 217.000 tỷ đồng, được kỳ vọng làm tăng giá trị bất động sản, thu hút người dân ra ngoại ô và khách du lịch đến trải nghiệm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Phối cảnh Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ theo quy hoạch được duyệt 2021. Nguồn ảnh: Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với tổng mức đầu tư gần 129.000 tỷ đồng, là sẽ là hạt nhân thúc đẩy và phát triển Cần Giờ thành một trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu của cả nước. 

Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Nguồn ảnh: Portcoast

Cầu Cần Giờ với tổng vốn 10.000 tỷ đồng thay thế phà Bình Khánh, vốn đã quá tải nhiều năm nay và đáp ứng được nhu cầu thông thương khi hai dự án Khu đô thị lấn biển và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được xây dựng.

Phối cảnh dự án cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ. Nguồn ảnh: Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM

Đây là 3 dự án trọng tâm được TP.HCM đặt nhiều kỳ vọng ở huyện Cần Giờ. Tuy nhiên phải phát triển kinh tế biển Cần Giờ một cách bền vững, không tác động bất lợi tới môi trường là mục tiêu tiên quyết trong quá trình triển khai đề án và thực thi các công trình trên. 

Ngày 18/7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi thị sát khu vực huyện Cần Giờ (TP.HCM) bằng tàu thủy xuất phát từ Ga tàu cao tốc Bạch Đằng (Quận 1), để tìm hiểu Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cũng như Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Nhận thấy tiềm năng và thế mạnh của Cần Giờ khi các dự án được triển khai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị TP.HCM cần bổ sung ngay quy hoạch Cần Giờ theo tư tưởng mới. 

Khẩn trương triển khai các dự án lớn tại Cần Giờ

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng lưu ý, huyện Cần Giờ phải chú trọng phát triển hạ tầng trước, phát triển thuận thiên, "Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố".

 

Vừa có hệ sinh thái rừng ngập mặn được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, vừa có đường bờ biển dài hơn 20km, huyện Cần Giờ được xem là "lá phổi xanh" của TP.HCM. Vì vậy, đây là nơi có nhiều tiềm năng phát triển về nuôi trồng thuỷ hải sản, du lịch, đồng thời cũng dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.

Sớm ý thức được điều này, nhiều năm nay, dù huyện còn nhiều khó khăn, nhưng hệ sinh thái xanh tại đây vẫn luôn được người dân, chính quyền địa phương Cần Giờ nỗ lực gìn giữ. 

Được Nhà nước giao hơn 62 ha rừng thực hiện nhiệm vụ canh giữ từ năm 1992, ông Nguyễn Văn Im vui vẻ cho biết, sau hơn 30 năm nỗ lực thực hiện tuyên truyền vận động người dân không phá hoại đất rừng và cùng ngăn chặn nạn khai thác rừng trái phép, giờ đây ý thức người dân đã dần được nâng cao hơn.

Hơn 30 năm gìn giữ lá phổi xanh huyện Cần Giờ

Sau hơn 10 năm thực hiện các chương trình nông thôn mới, giờ đây diện mạo của huyện Cần Giờ đã thay đổi tích cực hơn và có nhiều giải pháp bảo vệ môi trường.

Về việc xử lý rác thải nhựa và cung cấp nguồn nước sạch sinh hoạt cho người dân nhiều năm qua tại xã đảo Thạnh An nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung cũng đã được cải thiện hơn rất nhiều.

Bên cạnh sự kỳ vọng và phấn khởi khi các dự án mới đang được triển khai, người dân hết sức mong mỏi các dự án này sẽ không ảnh hưởng đến hệ sinh thái tại đây. Vì vậy, người dân, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan luôn ra sức bảo tồn và phát triển huyện trong thời gian qua.

 “Thuận thiên” phát triển Cần Giờ

Các dự án sắp được quy hoạch tại đây đều mang tầm khu vực và quốc tế, thế nên bài toán bảo tồn hệ sinh thái Cần Giờ không chỉ nằm ở nỗ lực của riêng địa phương, mà còn phải có sự cam kết và đồng thực thi của các đơn vị có liên quan, từ các sở ban ngành Nhà nước đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án.

Nghị quyết số 12 của thành phố về định hướng phát triển Cần Giờ đến năm 2030 nêu 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó có việc quản lý, bảo vệ, phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ - Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, bền vững.

Kiến trúc sư Khương Văn Mười - Nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM

Tham gia khảo sát địa thế Cần Giờ cùng lãnh đạo thành phố từ những ngày mà nơi đây còn hoang sơ, cũng là một trong những kiến trúc sư đầu tiên nghiên cứu về việc quy hoạch khu đô thị lấn biển 3.000ha, Kiến trúc sư Khương Văn Mười - Nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM nhận định, việc phát triển Cần Giờ song song bài toán bảo tồn là hoàn toàn trong khả năng. Tuy nhiên, phát triển thuận thiên cũng cần phải có những quy định pháp lý rõ ràng để mang tính ràng buộc, có đội ngũ quan tâm theo dõi, như vậy mới đảm bảo giữ được "lá phổi xanh" của thành phố. 

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: