Sức bật từ cơ chế vượt trội

HỒNG DIỄM - NGỌC QUÍ - THU TÌNH - TRƯỜNG GIANG - PHƯƠNG MAI - HOÀN THIỆN - NGUYỄN QUỐC - CHU THÀNH - TẤN LỘC - TRẦN TÚ - XUÂN HẠO - VĨNH TIẾN - THÁI PHƯƠNG - TRÚC QUỲNH - PHƯƠNG TRINH - MINH TẤN - QUANG HUY - THU HẢI - THÀNH TÂM// TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 3/1/2024, 15:00

(HTV) - Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM được đánh giá là Nghị quyết “hành động”.

Sau 4 tháng triển khai quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, Nghị quyết 98 đang từng bước đi vào cuộc sống. “Không có độ trễ”, Nghị quyết 98 đang tạo sức bật cho đầu tàu TP.HCM từ những cơ chế vượt trội.

Đầu tàu TP.HCM đang bứt tốc với động cơ mới - “Nghị quyết 98". 

  

Xác định những “tọa độ ưu tiên”, TP.HCM đang tác động vào những điểm nghẽn trọng tâm để khơi thông nhanh nhất các nguồn lực, tạo đà bứt phá. 

Thước đo hiệu quả của các cơ chế vượt trội không gì khác là những điểm nghẽn được phá bỏ. Nếu nói việc hiện thực hóa Nghị quyết 98 là hành trình của một đoàn tàu đang mạnh mẽ bứt tốc về phía trước thì mỗi nhà ga trên hành trình sẽ mang một trọng trách và sứ mệnh khác nhau.

Có thể ví von, điểm đến đầu tiên chính là nhà ga mang kỳ vọng tạo cú huých cho phát triển hạ tầng giao thông thành phố - vốn là điểm nghẽn lớn kéo dài nhiều năm qua. 

  Đền bù giải phóng mặt bằng là điểm mấu chốt quyết định tiến độ của các dự án. Vành đai 3 được xem là hình mẫu trong công tác này. Điều đó tạo niềm tin: khi Nghị quyết 98 tháo gỡ điểm nghẽn về Đền bù giải phóng mặt bằng sẽ tạo động lực giúp các dự án giao thông trên địa bàn TP.HCM sớm về đích.

 

Vành đai 3 - đoạn qua TP.HCM dài hơn 47km, đi qua địa phận TP. Thủ Đức và các huyện: Bình Chánh, Hóc môn, Củ Chi. Gần 1.700 trường hợp nằm trong phạm vi ảnh hưởng với tổng diện tích đất thu hồi hơn 410ha. Bằng nhiều nỗ lực, đến nay, hầu hết các địa phương đều đạt tiến độ giao mặt bằng trên 90%.

Huyện Hóc Môn là địa phương đầu tiên về đích sớm nhất 

Khối lượng công việc của 2-2,5 năm đã được rút ngắn trong 1 năm, đây là dự án điển hình cho công tác giải phóng mặt bằng, với 2 cơ chế đặc biệt:

Một là cho phép được tách dự án bồi thường GPMB và dự án xây lắp thành 2 dự án độc lập, tiến hành song song.

Hai là được triển khai trước một số công việc của GPMB ở giai đoạn ngay sau chủ trương đầu tư và trước khi dự án khả thi được phê duyệt. 

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia chop biết: "Vành đai 3 là công trình được triển khai thần tốc, đặc biệt trên địa bàn TP.HCM triển khai rất nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chưa có nơi nào, lúc nào làm nhanh như vậy. Nếu công trình nào cũng làm được như Vành đai 3, tôi nghĩ đấy là cách tốt nhất để đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng cho Thành phố”.

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia

Cơ chế đột phá tương tự ở dự án Vành đai 3 cũng sẽ được áp dụng trong Nghị quyết 98 của Quốc hội mà TP.HCM đang triển khai. 

Cùng với giải phóng mặt bằng, Nghị quyết 98 còn tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế đầu tư thực hiện dự án BOT trên đường hiện hữu. Sau khi được HĐND thông qua danh mục 05 dự án đầu tư theo phương thức này, hiện Thành phố đã ráo riết triển khai các thủ tục.

Cầu đường Bình Tiên nối Quận 6 với Quận 8 và huyện Bình Chánh - là một trong 5 dự án được áp dụng theo phương thức BOT. Đây là khu vực có mật động dân cư rất đông, thế nhưng, từ rất lâu - người dân chỉ có thể đi lại bằng cây cầu sắt và cầu tạm nhỏ hẹp -xuống cấp như thế này. Có phương thức đầu tư mới, người dân đặt nhiều kỳ vọng sau 14 năm chờ đợi. 

Người dân kỳ vọng từ dự án cầu đường Bình Tiên

Một lời giải được Nghị quyết 98 trao cho TP.HCM, đó là cơ chế: "Thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD)". Đây là mô hình lần đầu tiên được thí điểm ngay tại Việt Nam, và ngay tại TP.HCM. 

Tác động của mô hình TOD

Với những đầu việc cụ thể, Nghị quyết 98 đang tạo ra những kỳ vọng lớn cho bức tranh hạ tầng giao thông TP.HCM, tạo sức bật, động lực để phát triển kinh - tế xã hội mạnh mẽ.

 

Khơi thông tiềm lực kinh tế là vấn đề mấu chốt để phát triển, tuy nhiên đây không phải là mục tiêu duy nhất trên hành trình tiến về phía trước của một đô thị đặc biệt như TP.HCM. Với vùng đất có truyền thống hơn 300 năm tuổi, vấn đề phát triển văn hóa, con người cần phải được đầu tư tương xứng.

Nguồn vốn eo hẹp là điểm nghẽn bấy lâu nay cản trở sự phát triển của văn hóa TP.HCM khi ngân sách dành cho lĩnh vực này thì hạn hẹp, nhưng luật không cho phép kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM

“Hệ thống thiết chế văn hóa của Thành phố – 1 đại đô thị - còn thiếu. Cái nhu cầu của hơn 10 triệu dân rất đa dạng. Chúng ta cần nhiều hơn nữa, không chỉ đại diện cho sắc thái văn hóa của TP.HCM mà còn đại diện cho sắc thái của cả Nam Bộ”, theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM chia sẻ.

Năm 2023, TP.HCM đã được trao cơ hội vàng khi Nghị quyết 98 cho phép thành phố thí điểm hình thức đối tác công tư với lĩnh vực văn hóa. Tận dụng nghị quyết, TP.HCM lập tức kêu gọi đầu tư PPP cho hơn 20 dự án về văn hóa – thể thao.

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận 

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM Trần Thế Thuận cho biết: “Theo định hướng chiến lược phát triển văn hóa từ 2023-2035, Thành phố cần kêu gọi 20.000 tỷ đầu tư cho các dự án văn hóa – thể thao. Cho nên Nghị quyết 98 ra đời sẽ mở ra triển vọng mới để Thành phố có điều kiện tiếp nhận hơn nữa sự đầu tư của xã hội”.

Nghị quyết 98 là cú hích mạnh mẽ cho chiến lược phát triển văn hóa của TP.HCM, nhưng không phải là phép màu có thể tháo gỡ tất cả điểm nghẽn. Đi liền với cơ chế mới phải là tư duy mới trong quản lý và điều hành. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Lợi - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM cho biết thêm: “Nghị quyết 98 là giá đỡ, tuy nhiên chỉ là điều kiện cần thôi. Chúng ta có tiền, có cơ chế rồi thì cần nguồn nhân lực có 1 tư duy khai phóng, khả năng sáng tạo để tạo ra sản phẩm chi công chúng hưởng thụ. Chúng ta cũng đừng phân biệt quá giữa công và tư trong đầu tư. Nghĩa là tôi sẽ giao vốn cho anh và có sự kiểm soát. Vấn đề là chúng ta tạo ra hiệu quả chứ không phải là sự dàn trải, nó rất khó tạo ra đột phá”.

Trong thế giới ngày nay, văn hóa, kinh tế, chính trị luôn đan xen với nhau, trong đó, văn hóa có vị trí đặc biệt trong cuộc cạnh tranh về sức mạnh tổng hợp của mỗi quốc gia. Phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, chú trọng đầu tư con người,… chính là chìa khóa thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

Đầu tư trong năm 2024 cần hướng đến đầu tư cho thiết chế văn hóa

Trên con tàu đang tăng tốc mạnh mẽ nhờ vào xung lực của Nghị quyết 98, TP.HCM càng thêm kiên định thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người thành phố. Đó cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững”.

 

Dù phát triển văn hóa, hay y tế, giáo dục, kinh tế, Trung tâm của mọi chính sách, cơ chế, suy cho cùng là hướng đến giúp cuộc sống của nhân dân tốt hơn. Đó là lý do, bàn về chính sách nhưng Nghị quyết đầu tiên mà HĐND Thành phố ban hành liên quan đến Nghị quyết 98 là hỗ trợ cho người dân. 

Ngay sau có Nghị quyết, UBND TP.HCM đã ra quyết định bố trí nguồn vốn ngân sách từ đầu tư công là 2.796 tỷ đồng để thực hiện cho vay chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm. 

 

Gia đình chị Ngọc Tâm đã nộp đơn xin thoát nghèo ngay trước thềm năm mới 2024. Gia đình chị đã không còn là hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Thành phố. Từ tình cảnh bấp bênh "ai kêu gì làm nấy", thu nhập hàng tháng chỉ vỏn vẹn 2 đến 3 triệu đồng, "vay mượn đủ đường" may ra mới đủ tiền sinh hoạt, giờ đây, cuộc sống gia đình đã ổn định, tất cả nhờ vào nguồn vốn vay lãi suất thấp từ Ngân hàng chính sách xã hội.

Chị Nguyễn Ngọc Tâm ngụ tại Xã Bình Chánh, Huyện Bình Chánh, TP.HCM 

Chị Tâm chia sẻ: "Hàng tháng cộng hết tất cả lại thì nhà mình thu nhập khoảng một chục triệu hơn rồi. Mới đây, mình vừa được giới thiệu một nguồn vay nữa được 50 triệu để mua bò giống và sửa lại chuồng”.

Thực tế, nhu cầu về nguồn vốn cho vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo rất lớn, song khả năng đáp ứng của TP.HCM chỉ là một phần nhỏ. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách trung ương, sự ra đời của Nghị quyết 98 đã khơi thông điểm nghẽn về bố trí vốn khi cho phép TP.HCM sử dụng ngân sách đầu tư công cho vay với đối tượng hộ nghèo và giải quyết việc làm. 

Ông Trần Văn Tiên - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP.HCM

"Việc thực hiện Nghị quyết 98, trong đó có nội dung bố trí các nguồn vốn đầu tư công để thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn TP.HCM, có thể nói tạo ra một cú hích rất là mạnh mẽ. Có thể ví von nó giống như một cánh đồng đang khô hạn rất là lâu rồi, trời có một cơn mưa rào rất là lớn. Hiện nay cơ chế bố trí các nguồn vốn gần như đã được khai thông", theo ông Trần Văn Tiên - Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chi nhánh TP.HCM.

Tháng 10/2023, nguồn vốn đầu tư công đã được rót xuống ngân hàng chính sách xã hội các quận, huyện, TP. Thủ Đức để tiến hành cho vay. Chỉ sau 3 tháng, toàn bộ số vốn này đã được giải ngân đến tay những người nghèo.

Nguồn vốn bổ sung hỗ trợ cho người dân

Là đối tượng yếu thế trong xã hội, người lao động khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo là đối tượng dễ rơi vào bẫy tín dụng đen do khó tiếp cận các nguồn vốn vay của ngân hàng thương mại. Chính vì thế, nguồn vốn bổ sung cho chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm không chỉ là chiếc phao cứu sinh trong giai đoạn khó khăn, mà còn giúp họ tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần vào an sinh xã hội và mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố.

Khát vọng vươn lên của TP.HCM

Nghị quyết 98 không phải là “chiếc đũa thần”, hành trình dài phía trước hẳn có không ít khó khăn. Song với những gì đã và đang làm được, chúng ta có hoàn toàn có thể kỳ vọng vào “sức bật” mạnh mẽ của đầu tàu kinh tế TP.HCM từ cơ chế vượt trội, không chỉ đưa Thành phố trở lại quỹ đạo phát triển vốn có, mà còn hướng đến mục tiêu quan trọng là Xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: