(HTV) - Hành trình về nguồn đã để lại nhiều cảm xúc đặc biệt trong lòng mỗi thành viên. Tất cả đều ý thức hơn về trách nhiệm của mình, cố gắng phấn đấu, cống hiến nhiều hơn nữa cho cơ quan, đơn vị, đúng với tên gọi “Sáng mãi niềm tin”.
Hướng tới những ngày tháng Tư lịch sử, Thành ủy TP.HCM tổ chức Hành trình về nguồn “Sáng mãi niềm tin” dành cho các gương điển hình có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại tỉnh Trà Vinh và TP. Cần Thơ, từ ngày 20 đến 22/3/2024. Qua chuyến đi, mỗi thành viên trong Đoàn càng hun đúc thêm tình yêu quê hương, đất nước và lý tưởng cách mạng, từ đó có thêm động lực phấn đấu và cống hiến hết sức mình vì sự phát triển của TP.HCM và cả nước.
“Hành trình sáng mãi niềm tin” bắt đầu với “Công trình của trái tim” - Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, TP. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Các thành viên trong Đoàn vô cùng xúc động khi được đến tham quan, hiểu được ý nghĩa thiêng liêng của việc hình thành, quá trình chiến đấu bảo vệ ngoan cường và giá trị tinh thần của ngôi đền trong đời sống tinh thần của Đảng bộ, quân, dân tỉnh Trà Vinh.
Đoàn hành trình “Sáng mãi niềm tin” dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đồng chí Lê Hồng Sơn - Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đầu năm 1970, Thị ủy Trà Vinh thảo luận, thống nhất và được Tỉnh ủy Trà Vinh chấp thuận chủ trương xây dựng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày khởi công là 10/3/1970 và dự kiến khánh thành vào dịp sinh nhật Bác lần thứ 80.
Đến ngày 26/01/1971, tức chiều 30 Tết Tân Hợi, ngôi đền được khánh thành trước sự chứng kiến của đại diện Tỉnh ủy, Thị ủy Trà Vinh cùng một số người dân địa phương.
Chiều ngày 14/02/1972, nhằm ngày 30 Tết, Đền thờ Bác Hồ được khánh thành lần thứ hai trong niềm hân hoan của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Long Đức.
|
|
Đại diện cho gần 200 thành viên của Đoàn hành trình, chị Trần Thị Thu Trang - Bí thư Đảng ủy Phường 7, quận Bình Thạnh, TP.HCM - phát biểu cảm tưởng và báo công lên Bác
Thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, năm 2023 tại TP.HCM đã tiếp tục xuất hiện 148 mô hình mới, cách làm hay, 118 nội dung đột phá, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả; Thành ủy tổ chức biểu dương 118 tập thể, 184 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Đây là những tập thể và cá nhân đã được bình chọn từ hàng ngàn tấm gương học tập và làm theo Bác từ cơ sở thuộc nhiều lĩnh vực với những việc làm thiết thực; không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo, hàng ngày âm thầm cống hiến và hi sinh, lặng lẽ và tận tụy, góp phần xây dựng bầu không khí xã hội tích cực, đưa Thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, từng bước phục hồi, ổn định và phát triển.
Chị Thu Trang chia sẻ: “Ngay từ ngôi nhà sàn đơn sơ của Bác hay là Đền thờ của Bác, tất cả đều toát lên một vẻ bình dị, chân chất và toát lên đức tính khiêm tốn. Và đó là cũng là một trong những đức tính mà thế hệ cán bộ, Đảng viên của chúng tôi hôm nay cần phải ra sức phấn đấu học tập.”
Nỗ lực học tập, cống hiến hết sức mình
Đồng cảm với chị Thu Trang, chị Mai Ly Niê - Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế TP. Thủ Đức, TP.HCM, xúc động bày tỏ khi bước chân vào Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Trà Vinh, điều đầu tiên chị thấy là hình ảnh cây tre. Và cảm xúc của chị là sự bình dị của Bác vẫn luôn còn ở đây, theo mãi cho con người Việt Nam chúng ta học hỏi. Qua chuyến đi này, chị thấy sự gắn kết, đoàn kết mà Bác vẫn mong muốn ở con người Việt Nam.
Các đại biểu dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh
Học tập Bác từ những điều nhỏ nhất
Anh Đặng Văn Khoa, giảng viên trẻ của trường Đại học Sư phạm TP.HCM, vô cùng xúc động được đến thăm Đền thờ Bác Hồ tại tỉnh Trà Vinh. Anh nhận thức mình là một người Đảng viên trẻ, tự thấy cần phải tiếp tục cần cù, hăng hái trong lao động, học tập để đóng góp xây dựng TP.HCM thành một thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Nhận thức tiếp tục cần cù, hăng hái trong lao động, học tập
Các đại biểu nghe cán bộ thuyết minh kể về quá trình xây dựng, giữ gìn Đền thờ Bác Hồ tại tỉnh Trà Vinh
Năm 2012, theo quy hoạch của hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh trên cả nước đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng phê chuẩn, phiên bản Nhà sàn Bác Hồ với tỷ lệ 97% so với nguyên bản đã được dựng lên trong khuôn viên Đền thờ.
Đây là một hiện vật quý khẳng định giá trị lịch sử của khu di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh Trà Vinh trong hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh, vừa là điểm nhấn đặc biệt để du khách và quần chúng nhân dân các tỉnh Nam bộ thuận tiện hơn trong việc tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Người.
|
|
Đúng như tên gọi “Sáng mãi niềm tin”, Hành trình lần này mang đến cho tất cả thành viên trong Đoàn cảm nhận sâu sắc về tinh thần kiên trung, chiến đấu ngoan cường của Nhân dân Việt Nam, từ đó mãi giữ vững niềm tin vào sự nghiệp cách mạng và con đường phát triển của đất nước. Di tích lịch sử “Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu”, thuộc ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, huyện Duyên Hải, cách trung tâm TP. Trà Vinh 60km về hướng Đông Nam, là địa chỉ đỏ góp phần hun đúc lý tưởng cách mạng cho thế hệ hôm nay.
Đoàn đại biểu dâng hương tại di tích Bến Cồn Tàu
Các đại biểu nghe thuyết minh về quá trình vận chuyển vũ khí trên Đường Hồ Chí Minh trên biển đến Bến Cồn Tàu
Từ năm 1963 đến năm 1966, các điểm bến ở Trà Vinh như: Rạch Cỏ, La Ghi, Phước Thiện… tiếp nhận 16 chuyến tàu (riêng bến Cồn Tàu tiếp nhận 10 chuyến) tiếp nhận 680 tấn vũ khí, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Bến Cồn Tàu, tỉnh Trà Vinh, là một mắt xích quan trọng của Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.
Phấn đấu trở thành người Đảng viên tốt
Không ngừng trau dồi đạo đức và lý tưởng cách mạng
Tại tỉnh Trà Vinh, Đoàn hành trình “Sáng mãi niềm tin” cũng có cơ hội tham quan Di tích chùa Bodhiculàmani (chùa Ấp Sóc) - di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, tọa lạc ở ấp Sóc, xã Huyền Hội, huyện Càng Long.
Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1541. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa Ấp Sóc không chỉ đơn thuần là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, văn hoá, trung tâm giáo dục của cộng đồng dân tộc Khmer tại phum sóc, mà còn là cơ sở hoạt động bí mật, bảo vệ cán bộ cách mạng.
|
|
Thượng tọa Thạch Phương Thanh - trụ trì chùa Bodhiculàmani (chùa Ấp Sóc) - kể về lịch sử đấu tranh, bảo vệ cán bộ cách mạng tại chùa trong những năm kháng chiến chống Mỹ
Tạm biệt Trà Vinh, đoàn tiếp tục hành trình đến với Cần Thơ. Cần Thơ không chỉ được biết đến là thành phố lớn nhất miền Tây Nam Bộ với những nét đẹp quyến rũ lòng người, mà nơi đây còn là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Một trong những địa chỉ đỏ để cảm nhận rõ dòng chảy lịch sử là Khám Lớn Cần Thơ.
Từ năm 1876 đến năm 1886, thực dân Pháp xúc tiến xây dựng nhiều cơ quan, công sở… trong đó có trại giam thường được gọi là Khám Lớn Cần Thơ. Mặc dù bị tra tấn cực hình, các đồng chí Đảng viên trong Khám Lớn Cần Thơ vẫn có Chi bộ, Đảng bộ, sinh hoạt học tập, tổ chức đấu tranh với địch từng giờ từng phút, kiên quyết giữ gìn phẩm chất cách mạng.
Đồng chí Lê Hồng Sơn dâng hương các anh hùng, liệt sĩ tại Khám Lớn Cần Thơ
Các đại biểu tham quan Nhà trưng bày tại Di tích Lịch sử Quốc gia Khám lớn Cần Thơ
Chính nơi đây, biết bao người con ưu tú của quê hương Cần Thơ và các tỉnh lân cận đã ngã xuống để thế hệ hôm nay có được cuộc sống thanh bình, tự do và hạnh phúc. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Khám Lớn Cần Thơ trở thành chứng tích “địa ngục trần gian” khắc sâu bao tội ác của thực dân và đế quốc.
Các đại biểu xúc động trước cảnh ngục tù mà các cán bộ, chiến sĩ cách mạng phải chịu đựng
Ni sư Thích Nữ Huệ Khánh - Phó Trưởng Ban Trị sự, kiêm Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Quận 12 - cảm thấy xúc động nhất là hình ảnh của những trại giam người nữ, giam trong một khu vực rất nhỏ và cũng có những chị, theo thuyết trình viên, mang thai mới một tháng cũng phải bị vào tù! Chính sự kiên cường đó đã góp vào thành quả giành nền độc lập cho đất nước.
Cảm kích trước những hy sinh của nhiều cán bộ nữ đã hy sinh
Phấn đấu hết sức mình vì cơ quan, đơn vị
Với chị Nguyễn Hoàng Ngọc Châu - Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM - bản thân chị có rất nhiều cảm xúc, đặc biệt là lòng biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh của cha ông đã giữ vững nền độc lập ngày nay. Đó cũng là động lực thôi thúc đối với chị, cũng như thế hệ trẻ ngày nay, sẽ có nhiều động lực học tập hơn, nâng cao hơn về trình độ của mình để có thể phục vụ cho đất nước của mình.
Biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh của cha ông
Toàn đoàn Hành trình chụp ảnh kỷ niệm tại Di tích Khám Lớn Cần Thơ
Trên mảnh đất Cần Thơ yêu thương, tất cả thành viên của Hành trình về nguồn cảm nhận muôn điều thú vị khi tham quan các địa điểm gắn liền với thổ nhưỡng, văn hóa và đời sống nơi đây.
Tại Bảo tàng Cần Thơ, với diện tích 3.000m2, Bảo tàng là nơi trưng bày, giới thiệu hơn 1.000 hiện vật, tư liệu, di vật quý hiếm, các thành tựu kinh tế, văn hóa và xã hội của dân tộc Kinh, Khmer, Hoa… trên địa bàn trong quá trình dựng nước - giữ nước cùng những thành tựu kinh tế, quốc phòng, an ninh, xã hội hiện nay.
Đoàn đến tham quan Bảo tàng Cần Thơ
Tình yêu quê hương, đất nước càng trào dâng khi Đoàn chiêm ngưỡng Đền thờ Vua Hùng, tại quận Bình Thủy. Được khánh thành ngày 06/4/2022, công trình như một biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết, điểm hội tụ văn hoá tâm linh của dân tộc Việt Nam, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng theo tâm nguyện của đông đảo Nhân dân TP. Cần Thơ nói riêng và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Công trình kiến trúc ấn tượng và sự tôn nghiêm, cao quý của tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng cho thấy văn hóa truyền thống của dân tộc Việt luôn có sức sống mạnh mẽ, cuồn cuộn trong tâm thức, để mỗi người trong chúng ta cảm thấy tự hào và trân quý.
Đoàn dự lễ dâng hương lên Quốc tổ Hùng Vương tại Đền thờ Vua Hùng, TP. Cần Thơ
Toàn thể đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Vua Hùng, TP. Cần Thơ
Hành trình tạm khép lại trong không gian tĩnh lặng của Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ.
Đây là thiền viện lớn nhất miền Tây và là một trong những công trình Phật giáo quy mô nhất ở khu vực Tây Nam bộ. Đây không chỉ là công trình mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh độc đáo, mà còn là quần thể những công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, nổi bật với phong cách kiến trúc Phật giáo thuần Việt thời Lý – Trần.
|
|
Qua từng điểm đến, mỗi thành viên trong Đoàn cảm nhận sâu sắc hơn nữa về vẻ đẹp của đất nước, vẫn còn bao danh lam thắng cảnh chờ được chiêm ngưỡng và trải nghiệm. Và mỗi người cũng không quên rằng, khung cảnh thanh bình, yên ả trên mọi nẻo đường Tổ quốc có được hôm nay là công sức của bao thế hệ cha ông, xương máu của lớp lớp anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống. Từ đó, cảm nhận trách nhiệm của mình không ngừng tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, sáng tạo, hàng ngày âm thầm cống hiến và hi sinh, lặng lẽ và tận tụy, góp phần xây dựng TP.HCM phát triển.
Mong thế hệ trẻ tiếp tục sống có lý tưởng để đạt những thành quả phi thường
Ngày ngày phấn đấu xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ
Nhóm phóng viên HTV phỏng vấn đại biểu về cảm nhận chuyến hành trình “Sáng mãi niềm tin”
Đánh giá kết quả Hành trình về nguồn “Sáng mãi niềm tin” 2024, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Lê Hồng Sơn - Trưởng đoàn Hành trình - chia sẻ đây là một hành trình mà 200 gương sáng đều có những cảm nhận khác nhau, nhưng tựu chung là niềm tự hào về hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Tất cả đều có sự góp sức của những mảnh đất và những con người. Đó là điều mà đoàn muốn đọng lại và rất cảm ơn Ban tổ chức đã thực hiện được một cuộc hành trình rất ý nghĩa, xứng với tên gọi “Sáng mãi niềm tin”.
Mỗi người cảm nhận sâu sắc hơn về quê hương, đất nước
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mục đích có đồng, chí mới đồng; chí có đồng, tâm mới đồng; tâm đã đồng lại phải biết cách làm thì làm mới chóng”, cán bộ, đảng viên, công chức, chiến sĩ lượng vũ trang, công nhân, nông dân, trí thức, nghệ sĩ của TP.HCM… bình dị, khiêm tốn, lặng lẽ lao động, học tập và cống hiến, góp phần làm cho cơ quan, đơn vị, khu phố - ấp và Thành phố mang tên Người ngày càng thêm tươi đẹp như lời Bác dạy: “Mỗi người tốt việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một vườn hoa đẹp”.
Chúng con xin hứa sẽ không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống; không ngừng nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong cuộc sống và công tác; không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, xây dựng Thành phố mang tên Bác có chất lượng sống tốt, ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình; hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; không ngừng chung sức phấn đấu để sớm đạt mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
|
|
* Bài viết có sử dụng một số hình ảnh do Ban tổ chức và các thành viên của Đoàn hành trình về nguồn “Sáng mãi niềm tin” năm 2024 cung cấp.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9