(HTV) - Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, nhằm hoàn thiện cơ chế hoạt động, nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ của đại biểu và các cơ quan thuộc Quốc hội.
Chiều nay 17/02, với sự đồng thuận tuyệt đối của 461/461 đại biểu có mặt, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Những điều chỉnh lần này được kỳ vọng sẽ hoàn thiện cơ chế hoạt động, nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ của đại biểu và các cơ quan thuộc Quốc hội.

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội
Một trong những nội dung quan trọng của Luật là quy định về việc tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét quyết định tạm đình chỉ đối với đại biểu trong hai trường hợp: khi đại biểu bị khởi tố bị can hoặc khi quá trình xem xét vi phạm cho thấy cần áp dụng hình thức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên đối với đại biểu là cán bộ, công chức, viên chức. Trong trường hợp đại biểu được kết luận không có vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật, họ sẽ được khôi phục nhiệm vụ, quyền hạn và các lợi ích hợp pháp của mình.

Luật cũng chính thức điều chỉnh thuật ngữ “Quốc hội họp bất thường” tại Hiến pháp thành “Kỳ họp không thường lệ”, nhằm thống nhất cách gọi và quy trình tổ chức. Theo quy định mới, mỗi năm Quốc hội sẽ họp thường lệ hai kỳ. Trong trường hợp có yêu cầu từ Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, kỳ họp không thường lệ sẽ được tổ chức để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách của đất nước. Cùng với đó, Quốc hội sẽ nghiên cứu phương án đánh số các kỳ họp để đảm bảo tính nhất quán từ nhiệm kỳ sau.

Một điểm đáng chú ý khác là việc không quy định cứng số lượng và tên gọi các cơ quan của Quốc hội. Điều này tạo điều kiện linh hoạt cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan. Trong số 10 cơ quan của Quốc hội hiện nay, có 8 cơ quan sẽ chịu sự tác động trực tiếp từ quá trình sắp xếp, điều chỉnh, trong khi 2 cơ quan mới sẽ được thành lập.

Với những điều chỉnh quan trọng này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội không chỉ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội mà còn tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển của bộ máy nhà nước trong thời gian tới.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9