Quốc hội thảo luận về chính sách tháo gỡ vướng mắc trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

KIM KHÁNH - TIẾN DŨNG - MINH TUẤN // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 17/2/2025, 11:16

(HTV) - Sáng nay, tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về hai nội dung quan trọng: Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Kỳ vọng vào những chính sách đột phá

Quốc hội thảo luận về chính sách tháo gỡ vướng mắc trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

 Về Dự thảo Nghị quyết thí điểm, các đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung được đưa ra nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 57. Các đại biểu kỳ vọng đây sẽ là những chính sách mang tính đột phá, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần đưa đất nước tiến xa hơn trên bản đồ khoa học thế giới.

Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm là việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu và các nhà khoa học. Theo các đại biểu, đây là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực khoa học hiện nay. Hiện nay, đội ngũ làm khoa học gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì cuộc sống bằng nghề, một phần do cơ chế quản lý hành chính nhà nước còn nhiều bất cập. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị làm rõ nội hàm của quy định "được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở mức độ cao nhất" để tránh cách hiểu khác nhau khi áp dụng vào thực tế.

Bên cạnh đó, vấn đề khoán chi trong hoạt động khoa học cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Các đại biểu đề nghị nhà nước cần khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, thay vì chỉ dừng ở từng giai đoạn nghiên cứu. Đặc biệt, Nhà nước cần đóng vai trò là khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất đối với các sản phẩm khoa học công nghệ, nhất là trong các lĩnh vực then chốt như bán dẫn, y sinh học, rô-bốt…

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất bổ sung quy định về đầu ra của sản phẩm khoa học công nghệ, đồng thời làm rõ cơ chế thương mại hóa để đảm bảo các công trình nghiên cứu không chỉ dừng lại trên giấy mà có thể ứng dụng thực tế, mang lại giá trị kinh tế - xã hội.

Một điểm đáng chú ý khác trong thảo luận là vấn đề chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Các đại biểu tán thành với quan điểm cần có cơ chế để chấp nhận rủi ro, bởi nghiên cứu khoa học vốn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định. Tuy nhiên, cần làm rõ cơ quan nào sẽ có thẩm quyền quyết định cho tổ chức, cá nhân được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra rủi ro. Đồng thời, cần quy định rõ ràng để xác định những trường hợp tổ chức, cá nhân đã tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định nhưng vẫn không tránh khỏi rủi ro trong nghiên cứu.

Dự thảo Nghị quyết thí điểm lần này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: