(HTV) - Tiếp tục kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV, sáng nay, Quốc hội nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Quốc hội cũng tiến hành thảo luận về các nội dung này.
Quang cảnh Quốc hội thảo luận về chương trình giám sát và xây dựng luật, pháp lệnh sáng ngày 30/5
Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025, đối với giám sát chuyên đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao 01 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 01 chuyên đề tại Phiên họp tháng 8/2025.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 02 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 01 chuyên đề để giám sát tối cao. Cụ thể:
Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thời gian qua, Quốc hội ban hành nhiều Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM và nhiều tỉnh, thành và ngay tại Kỳ họp này cũng sẽ xem xét cơ chế, chính sách đặc thù cho Nghệ An, Đà Nẵng, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất giám sát thêm 1 chuyên đề liên quan đến đầu tư công và quản lý tài sản công.
Theo ông Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội TP.HCM: “Chúng ta thấy rằng rất cần sự thay đổi, đột phá trong luật pháp hiện nay, nhất là luật về đầu tư công, quản lý tài sản công. Cho nên rất mong nếu được UBTVQH tăng thêm một giám sát chuyên đề liên quan đến các kết quả thực hiện Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù, để chúng ta có thể xây dựng Luật sửa đổi về quản lý tài sản công cũng như luật sửa đổi về đầu tư công."
Ông Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM
Thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, các đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như: Luật dân số, Luật sửa đổi, bổ sung các luật như Chữ thập đỏ, Phòng chống tác hại của thuốc lá; đề nghị bổ sung Nghị quyết về đường sắt đô thị và về Trung tâm tài chính quốc tế cho TP.HCM.
“Ở góc độ TP.HCM chúng tôi thấy cần sớm có một Nghị quyết về đường sắt đô thị, vì có một loạt vấn đề đặt ra về ngân sách, cơ chế, vấn đề ủy quyền, đấu thầu, huy động vốn trong và ngoài nước. Thứ hai, chúng tôi cũng cho rằng Trung tâm tài chính quốc TP.HCM cũng cần có Nghị quyết, vì Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị ghi sớm xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế TPHCM. Đây là việc chưa có tiền lệ, mới mẻ, cho nên tôi cho rằng cả Chính phủ lẫn lãnh đạo chính quyền TP.HCM cần có cơ chế ở cơ quan quyền lực nhà nước”, ông Trương Trọng Nghĩa - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM.
Ông Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội TP.HCM
Các đại biểu cũng tiếp tục đề nghị các vấn đề trong xây dựng pháp luật, đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, không ngừng nâng cao chất lượng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của các dự án luật…
Theo chương trình, các Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 sẽ được Quốc hội thông qua vào tuần tới.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9