Quốc hội thảo luận dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi

KIM KHÁNH - NGỌC TUẤN // VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN HTV TẠI HÀ NỘI 10/6/2023, 19:14

(HTV) - Chiều nay, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Quốc hội thảo luận dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi chiều ngày 10/6/2023

Quan tâm đến vấn đề phòng ngừa rủi ro cho hệ thống ngân hàng, đại biểu cho rằng, dự án luật đã quy định những nội dung quan trọng và cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành nhiều thông tư về vấn đề này. Tuy nhiên, từ sự kiện của các ngân hàng ở Việt Nam hay trên thế giới vừa qua, đại biểu cho rằng cần thiết kế thêm các quy định đề phòng rủi ro mang tính chất hệ thống, cần chấm dứt tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng. 

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Đồng Nai phát biểu: “Tôi cho rằng cần thiết đặt lại cơ quan giám sát tài chính liên quan đến ngân hàng. Lâu nay, chúng ta để xảy ra trường hợp như SCB, rồi nhiều trường hợp liên quan ngân hàng nhưng nội dung này trong luật mới thiết kế ở một điều khoản. Tôi đề nghị phải có hẳn một chương quy định về nội dung này”.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Đồng Nai 

Đại biểu Nguyễn Hải Trung - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội cho biết: “Có một thực tế không thể phủ nhận là có thể tồn tại các cổ đông lớn đứng danh hoặc không đứng danh hội đồng quản trị và ban điều hành hoạt động của ngân hàng. Các giải pháp trong dự thảo chỉ là giải pháp kỹ thuật để hạn chế các cổ đông lớn”. 

Đại biểu Nguyễn Hải Trung - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội

Từ thực tiễn liên quan đến hoạt động của ngân hàng thương mại thời gian qua, đại biểu kiến nghị cần đánh giá kỹ công tác quản lý Nhà nước liên quan đến hoạt động Ngân hàng.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phát biểu: “Tôi kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có liên quan đánh giá kỹ công tác quản lý Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra, các quy định pháp luật có liên quan, các quy định cần sửa đổi để đảm bảo thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, phát hiện sớm các dấu hiệu vi phạm của các ngân hàng thương mại, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn những tác động xấu ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Qua đó, bổ sung sửa đổi các quy định khác và Luật Tổ chức tín dụng để đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả các sai phạm của các tổ chức tín dụng”.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật cần đảm bảo cho người dân vùng sâu vùng xa, vùng miền núi tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.
Liên quan đến ngân hàng chính sách xã hội, các đại biểu đề nghị cần phải được quy định và điều chỉnh trong Luật và cần giải thích rõ quy định ngân hàng chính sách không thực hiện dự trữ bắt buộc như ngân hàng thương mại khác, bởi ngân hàng chính sách tỷ lệ rủi ro cao, khả năng mất cân đối lớn vì cho vay đối tượng yếu thế, khó khăn.

Cuối phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu.

Dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ tiếp tục được các đại biểu cho ý kiến trong kỳ họp tiếp theo.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

Ý kiến của bạn: