(HTV) - Tiếp tục kỳ họp thứ 8, sáng 12/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ giải pháp xử lý thông tin xấu, độc, sai sự thật trên không gian mạng gây nhiễu loạn, hệ lụy tiêu cực. Bên cạnh đó là các nội dung quảng cáo sai sự thật, trái thuần phong mỹ tục, vi phạm dữ liệu cá nhân người dùng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ Trưởng Bộ Thông tin truyền thông nhận định: “Trước đây mới quy định xử lý các cá nhân sử dụng mạng xã hội đưa thông tin sai sự thật, tin giả. Trong Nghị định mới ký, đã đưa vấn đề xử lý các nền tảng mạng xã hội khi có vi phạm pháp luật Việt Nam. Vấn đề này không chỉ là trách nhiệm quản lý của Nhà nước mà còn là trách nhiệm lớn thuộc về các nền tảng xã hội. Họ phải có trách nhiệm rà quét, phát hiện, tự động gỡ bỏ các thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc trên các nền tảng của mình”.
Vấn đề phát triển báo chí cách mạng trong bối cảnh phần lớn nguồn thu từ quảng cáo chảy về các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới cũng được các đại biểu quan tâm.
Ông Nguyễn Hữu Thông - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận nhận xét: “Một trong những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế với hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng là do trách nhiệm của một số bộ, ngành vì chưa bổ sung trách nhiệm quản lý nội dung quảng cáo lĩnh vực chuyên ngành trên không gian mạng. Đề nghị Bộ trưởng nêu cụ thể những bộ, ngành nào và trách nhiệm của Bộ trưởng, của Chính phủ để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên?”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ Trưởng Bộ Thông tin Truyền thông nhận xét: “Không gian mạng không khác gì không gian thực. Nếu không gian thực có bộ, ngành, địa phương, thì không gian mạng cũng có bộ, ngành, địa phương… Chỉ khi nào việc của nhà nào, nhà đó thực hiện, ai làm gì trong thế giới thực, thì khi đó thực hiện công tác quản lý ở không gian mạng, không gian mạng mới lành mạnh được. Tôi đã nhấn mạnh cần tăng cường nhận thức này, gần đây đã chuyển biến đáng kể.”
“Mức xử phạt hành chính hiện nay chưa đủ sức răn đe (từ 5 đến 10 triệu đồng); thiếu những quy định mang tính định lượng cụ thể để xác định xử lý vi phạm hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi đưa tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Ví dụ, việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đến mức độ nào thì được coi là nghiêm trọng, trong khi đó chỉ cần thực hiện hành vi bịa đặt hoặc lan truyền những điều biết rõ là sai sự thật, nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Do vậy, trong kiến nghị xử lý để đủ sức răn đe, chúng tôi kiến nghị không cần xem xét đến hậu quả xảy ra đối với những hành vi này”, ông Lương Tam Quang - Bộ Trưởng Bộ Công an nhận định.
Từ sự bùng nổ của các nền tảng mạng xã hội, dẫn đến hiện tượng "người người làm báo, nhà nhà làm báo", làm kênh riêng, nhiều đại biểu chất vấn giải pháp nhằm nâng cao vai trò của báo chí chính thống, cách mạng để làm tốt vai trò định hướng, tuyên truyền.
“Trong chỉ thị Thủ tướng Chính phủ ban hành về truyền thông chính sách có yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp phải coi truyền thông là việc của mình. Ngoài việc chủ động đưa thông tin, có kế hoạch đưa thông tin, có bộ máy đưa thông tin, thì có ngân sách hằng năm để chi cho truyền thông chính sách và dùng ngân sách để đặt hàng báo chí. Thứ 2, Trong kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới, cũng có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo”, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ Trưởng Bộ Thông tin Truyền thông nhận định.
Về giải pháp để người dân ở các vùng sâu, vùng xa tiếp cận được với mạng viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sẽ phấn đấu để người dân thuộc diện nghèo, cận nghèo có điện thoại thông minh và sử dụng miễn phí mạng.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9