Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nỗ lực không ngừng nghỉ

VĂN KHÁNH - PHƯƠNG THANH - HOÀI VY - MẠNH TRÌNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 18/8/2023, 16:23

Ngày 28/7/2023, Hội đồng Xét xử Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên các mức án đối với 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”. Đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận hết sức quan tâm.

Mặc dù việc xét xử vụ án đã đem lại sự tin tưởng của nhân dân về sự công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật, nhưng cũng không tránh khỏi những "tổn thương" trong tâm tư của người dân cả nước. Bởi một bộ phận cán bộ, đảng viên đã đi ngược lại những lợi ích lớn lao của Quốc gia, Dân tộc vì những cám dỗ và tư lợi.

Vụ án được đưa ra xét xử một lần nữa cho thấy công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không được chùn bước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Tế - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM; Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Văn Lang: “Hai điểm nhấn trong cuốn sách của Tổng Bí thư chúng tôi muốn nói là cơ chế kiểm soát quyền lực và rèn luyện nâng cao đạo đức, tính tiên phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên. Người chức vụ càng cao càng phải gương mẫu”.

Để khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, bây giờ là “trên nóng, dưới cũng nóng”, tức là phòng, chống tham nhũng đã đi vào thực tiễn cuộc sống. Ở đây, thể hiện rất rõ tư tưởng “nói đi đôi với làm”, quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng mà cách giải quyết vẫn “nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình”. Tất cả những điểm đó được dư luận quần chúng rất tin tưởng.

Tham nhũng là giặc ở trong lòng, giặc nội xâm. Nó làm mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Trong phòng, chống tham nhũng, phòng là cơ bản lâu dài, chống là cấp bách trước mắt. Giải quyết một vụ việc, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cho một ngành, một lĩnh vực, góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh. Đồng chí Phạm Chí Thành - Nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật chia sẻ.

 

Đồng chí Liên Minh Thiện - Bí thư Đảng ủy phường Bình Thọ, TP. Thủ Đức, TP.HCM bày tỏ: Giá trị lý luận và thực tiễn của quyển sách đã được chuyển hóa và chuyển tải vào quần chúng nhân dân, trong đó đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tiễn. Một điểm khi triển khai mà địa phương nhận thấy là niềm tin của người dân, cán bộ, đảng viên có chuyển biến và chuyển biến hết sức tích cực. Và thông qua các vụ việc trong thời gian vừa qua, rõ ràng niềm tin của người dân đã được nâng lên.

Đồng chí Nguyễn Văn Bôi - Bí thư Chi bộ, Trưởng Khu phố 3, Phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM cũng cho biết: Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, nhiều cán bộ từ Trung ương, thậm chí cả Bộ Chính trị, đều bị xử lý một cách nghiêm túc. Qua đó, khẳng định: Nếu tham nhũng đều bị xử lý, gieo vào nhân dân niềm tin vững chắc vào Đảng, đánh giá một cách công bằng, khách quan, vô tư trong phòng, chống tham nhũng, càng làm cho nhân dân ta tin tưởng vào Đảng. Và cuốn sách của Tổng Bí thư hiện nay đang lan tỏa sâu rộng đến quần chúng nhân dân.

 
Ngày 10/5/2022, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Trong vòng gần 03 tháng sau đó, 63/63 Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố đã nhanh chóng được thành lập. Sau khi đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã phát huy vai trò của mình, tạo sự nhất quán cao từ Trung ương đến địa phương nhằm đưa Nghị quyết, chủ trương, quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước, của đồng chí Tổng Bí thư đi vào cuộc sống.

Ngày 17/8/2022, tại Hội nghị lần thứ 16 mở rộng Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020 – 2025), Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực TP.HCM được công bố quyết định thành lập, do đồng chí Nguyễn Văn Nên – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM – làm Trưởng ban. Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh:

Với vai trò và chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban Chỉ đạo đã quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, qua đó đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh nhiều việc làm sai, phát hiện, chỉ đạo xử lý nghiêm nhiều tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên vi phạm. Đã tập trung kiểm tra các tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; thanh tra các lĩnh vực, địa bàn dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra chuyên đề theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương và hướng dẫn của các cơ quan chức năng ở Trung ương.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không những không làm nhụt chí, chùn bước những người dám nghĩ, dám làm mà ngược lại khuyến khích, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên quyết tâm đổi mới, vượt qua chính mình, dám nghĩ dám làm, dám đột phá, luôn suy nghĩ tìm ra cách làm mới, phù hợp thực tiễn, mang lại lợi ích cho nhân dân.

Trong 6 tháng năm 2023, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng Trung ương và của Thành phố đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố theo dõi, chỉ đạo và các vụ án thuộc diện Ban Nội chính Thành ủy theo dõi đôn đốc.

Ông Nguyễn Đình Trung - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP.HCM chia sẻ: Với chức năng, nhiệm vụ của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP.HCM, chúng tôi quản lý địa bàn 23 tỉnh, thành khu vực phía Nam.

“Và chúng tôi đánh giá trong thời gian vừa qua, số lượng các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ gia tăng. Đặc biệt, địa bàn TP.HCM là địa bàn trọng yếu của cả nước, cũng đã quan tâm trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kinh tế, chức vụ, và giải quyết các loại án này kịp thời, nghiêm minh. Các vụ án khi được đưa ra xét xử được dư luận đồng tình”, ông Nguyễn Đình Trung chia sẻ.

Trong 6 tháng năm 2023, Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP.HCM đã thụ lý giải quyết nhiều vụ án phúc thẩm:

Quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP.HCM xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Chúng tôi đã phối hợp với Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP.HCM trong công tác giải quyết án, qua đó thành lập các tổ giải quyết án, phân công các kiểm sát viên có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao; đặc biệt, có bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp. Kịp thời đưa ra giải quyết các vụ án đúng thời hạn. Đặc biệt, đã giải quyết được 15 vụ/87 bị cáo thuộc diện Trung ương chỉ đạo, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và của ngành.

Trong thời gian tới, với chức năng thực hành quyền công tố, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo theo tinh thần của Đảng, Nhà nước và của ngành kiểm sát để đảm bảo chất lượng giải quyết các vụ án không ngừng nâng lên, và việc xét xử các vụ án cần được kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Theo dõi phiên tòa vụ đại án “chuyến bay giải cứu”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại TP HCM Nguyễn Đình Trung đã có những cảm nghĩ về vụ đại án. Cảm nghĩ đó được thể hiện qua bài thơ “Sự thật”.

Xin viết bài thơ sự thật đớn đau
Khi xã hội đang lâm nguy vì Covid
Cả nước chung tay cuộc chiến thần kỳ
Mất mát đau thương kẻ ở người đi
Người ngã xuống nơi tuyến đầu chống dịch
Mãi mãi hy sinh tuổi xuân
Khi những bàn chân rầm rập hành quân
Đêm không ngủ nơi cánh rừng biên giới
Ngăn dịch tràn qua
Những áo xanh lấy lán trại là nhà
Cùng dân đêm ngày dập dịch
Những áo trắng là thiên thần đẹp nhất
Tận tụy ngày đêm, bên cái chết cận kề
Quên thân mình trong những lúc gian nguy
Vì cuộc sống vì tình yêu đồng loại
Bao người mẹ, người cha và những người con
Không bao giờ trở lại
Họ ra đi mong Tổ quốc yên bình
Khi cả nước cùng vào cuộc trường chinh
Thì sự thật hơn mọi lời dối trá
Có những kẻ đã bán mình cho quỷ dữ
Vì đồng tiền mà mất hết nhân tâm
Họ kê kit test lên đến cả trăm lần
Móc ngoặc dưới trên lọc lừa chia chác
Khi những người con xa hương nơi xứ khác
Cô đơn hiểm nguy mong về lại quê mình
Lợi dụng chủ trương giải cứu nghĩa tình
Họ kê giá vé bay vét vơ đầy túi
Có những điều tra viên cũng dính vào tội lỗi
Chiếc cặp đen âm thầm không biết nói
Đựng đầy đô la hay chai rượu làm quà...
Có những người tưởng được sống nhởn nha
Rồi cũng phải ra trước tòa khai báo
Có những giọt nước mắt muộn màng
Có ánh nhìn trơ tráo - phủ nhận tội danh
Khi đồng bọn đã khai và chứng cứ rành rành
Bản án Tòa tuyên, Nhân Danh Công Lý
Bản Án Lương Tâm, làm ta suy nghĩ
Về những kẻ không còn nhân tâm...
Thời gian trôi qua
Vết thương sẽ liền da cây lại xanh mầm
Nhưng lịch sử sẽ còn nhớ mãi
Những thời khắc thiêng liêng
Ghi nhớ chiến công sự dũng cảm phi thường
Những cái chết đã trở thành bất tử
Thiện ác phân minh, chiến binh quỷ dữ
Sẽ rạch ròi xây cuộc sống tin yêu...

Nguyễn Đình Trung

Nỗ lực đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng ta mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hoàn thiện lý luận và hiện thực hóa bằng các quy định ngày càng cụ thể, chặt chẽ. Ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định 114 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Nói về Quy định 114, đồng chí Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương – nói rõ:

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không thể thiếu vai trò của cơ quan dân cử với sự giám sát của nhân dân, giúp cán bộ, đảng viên tự soi, tự sửa, tự khắc phục. Từ đó, làm sao để cán bộ hướng tới không thể, không dám, không muốn thực hiện những hành động tiêu cực. Đó là mong muốn lớn lao nhất của mỗi người dân, để đất nước ngày càng có nội lực mạnh mẽ, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ có bản lĩnh vững vàng, đạo đức sáng trong, một lòng phấn đấu vì Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp và phồn vinh!

Ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114 về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”.

 — Quy định số 114 chỉ rõ các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn, như dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự…

 — Cũng theo Quy định 114, hành vi chạy chức, chạy quyền là trực tiếp hoặc gián tiếp môi giới, đưa và nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; tặng quà, tiền, bất động sản hoặc các lợi ích vật chất, phi vật chất khác, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được sự ủng hộ, tín nhiệm, vị trí, chức vụ, quyền lợi. Cùng với đó là việc lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi...

 — Quy định mới của Bộ Chính trị nêu rõ trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trong đó, có trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo; trách nhiệm của thành viên cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo.

 — Quy định số 114 cũng đề cập đến việc không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh liên quan như thành viên trong cùng ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự Đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị.

 — Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo không bố trí người có quan hệ gia đình đồng thời đảm nhiệm các chức danh người đứng đầu cấp ủy đảng hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính và người đứng đầu các cơ quan: Nội vụ, thanh tra, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, công thương, kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, quân đội, công an, tòa án, viện kiểm sát ở Trung ương hoặc cùng cấp ở một địa phương.

 — Quy định cũng nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi có thông báo nghỉ hưu, thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, chuyển công tác hoặc đang bị xem xét kỷ luật, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo phải báo cáo và được sự đồng ý của thường trực cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ.

 — Bộ Chính trị cũng nghiêm cấm việc trực tiếp hoặc thông qua người khác, phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội để lan truyền thông tin không đúng sự thật, tố cáo sai sự thật nhằm đề cao bản thân, hạ thấp uy tín người khác trong công tác cán bộ… 

 >>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
(HTV) - Những hình ảnh tại cầu Phong Châu sau khi bị sập 2 nhịp cầu vào sáng ngày 09/9 sẽ là một ký ức không thể nào quên của những người dân nơi đây.
(HTV) - Trong những ngày vừa qua, mực nước sông Hồng, đoạn chảy qua phường Chương Dương, Quận Hoàn Kiếm, Thủ dô Hà Nội, đã dâng cao nhanh chóng.
(HTV) - Sau 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42, hoạt động xuất bản của TP.HCM đã có nhiều chuyển biến tích cực, phát triển nhanh về quy mô, số lượng, chất lượng xuất bản phẩm được nâng cao.
(HTV) - Không để đồng bào miền Bắc đơn độc đối mặt với khó khăn, ngay trong sáng 11/9, hàng ngàn tấm lòng nhân ái đã quy tụ về HTV, góp sức hỗ trợ đồng bào miền Bắc vượt bão, giúp đồng bào các tỉnh ảnh hưởng bão số 3 (Yagi) ổn định cuộc sống.
(HTV) - Hôm 10/9, cùng ngày mà Apple giới thiệu iPhone 16, Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei cũng trình làng Mate XT - mẫu điện thoại gập 3 đầu tiên trên thế giới.
(HTV) - Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Sáng 11/9, Tổng cục Chính trị đã tổ chức Hội thi tuyên truyền viên trẻ toàn quân năm 2024, khu vực phía Nam.
(HTV) - Tính đến cuối năm học 2023-2024, toàn thành phố có 2.136 cơ sở giáo dục ngoài công lập.