Mạng xã hội: Mê hoặc và Cạm bẫy - Trận địa không tiếng súng

VĂN KHÁNH - THANH TÂM - DIỆU BÌNH - THẢO TRANG - MINH NGỌC - KIỀU MINH - TẤN KHOA - HOÀI VY // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 25/3/2024, 17:00

(HTV) - Khi tham gia mạng xã hội, chỉ vì một phút hoài nghi, dao động, cán bộ, Đảng viên có thể bình luận, chia sẻ, đăng tải thông tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, cá nhân, tổ chức…

Trong đời sống chúng ta, sự bùng nổ trang thông tin cá nhân, tài khoản mạng xã hội mang lại cơ hội tiếp cận thông tin tri thức, nhưng mạng xã hội cũng tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội và tư tưởng trong cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.

Dưới tác động của quá trình chuyển đổi số hiện nay, hầu hết cán bộ, Đảng viên đều sở hữu ít nhất một tài khoản mạng xã hội hoặc trang mạng Internet cá nhân của mình (ví dụ như website riêng, trang blog) để thuận tiện cho việc tìm kiếm, chia sẻ, kết nối các thông tin phục vụ cho công việc và cuộc sống hàng ngày. Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là từng cán bộ, Đảng viên đã ý thức hết vai trò, trách nhiệm của mình khi thiết lập, sử dụng tài khoản cá nhân của mình một cách hiệu quả trên không gian mạng để từng bước góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hay chưa?

Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng, đã mang đến vô vàn cơ hội, nhưng kèm theo đó là không biết bao nhiêu thách thức cho mỗi cá nhân, tổ chức, địa phương và các quốc gia. Chính vì vậy, nhiều quốc gia – từ các nước đang phát triển đến các nước phát triển – đều có luật về an ninh mạng và các hướng dẫn, quy tắc sử dụng mạng xã hội đối với công chức, những người công tác trong các tổ chức Chính phủ, cơ quan nhà nước.

Nhận thức rõ những nguy cơ từ các trang thông tin, tài khoản mạng xã hội đối với công tác bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng và công cuộc xây dựng đất nước, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Trong đó nêu rõ:

Ngày 19/10/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu Ngọc Trinh) về tội “Gây rối trật tự công cộng”, Trần Xuân Đông về tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Theo Công an TP.HCM, bị can Trần Thị Ngọc Trinh không có giấy phép lái xe mô tô hạng A2 nhưng đã cùng Trần Xuân Đông sử dụng xe mô tô có giấy tờ giả; tổ chức, thực hiện hành vi điều khiển xe mô tô phân khối lớn với các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm như không mặc đồ bảo hộ, nằm, quỳ gối lên yên xe, thả 2 tay để xe tự chạy tại các đoạn đường đã được sử dụng công cộng thuộc địa bàn phường Thủ Thiêm và phường Tăng Nhơn Phú B, TP. Thủ Đức, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Đáng chú ý, bị can Ngọc Trinh còn tổ chức quay phim, biên tập lại rồi đăng các clip này lên các tài khoản mạng xã hội có số lượng người theo dõi lớn, cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ.

Trưa ngày 02/02/2024, sau nửa ngày xét xử và nghị án, TAND TP.HCM đã tuyên Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu Ngọc Trinh, SN 1989, ngụ TP. Thủ Đức, TP.HCM) 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 02 năm về tội “Gây rối trật tự công cộng”, trả tự do ngay tại tòa. Đồng phạm của Ngọc Trinh là Trần Xuân Đông (SN 1987, ngụ Quận 4, TP.HCM) 01 năm tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”, 06 tháng tù “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, tổng hợp hình phạt cho cả 02 tội là 01 năm 06 tháng tù. 

Vụ việc bắt người mẫu Ngọc Trinh vào ngày 19/10/2023 được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là giới trẻ. Vụ việc cũng là đề tài thảo luận trên báo chí nhiều ngày sau đó, không chỉ về những đối tượng liên quan và hành vi vi phạm pháp luật, mà còn ở khía cạnh xã hội. Đơn giản là vì người mẫu này có số lượng người theo dõi trên các nền tảng mạng xã hội cực kỳ lớn! Do đó, khi video người mẫu “biểu diễn” trên mô tô lan truyền, thì tạo ra làn sóng ảnh hưởng khôn lường.

Có thể hiểu là người mẫu đã bước qua lằn ranh giữa các video bình thường với hành vi vi phạm pháp luật. Tất nhiên, một bộ phận không nhỏ người theo dõi, hâm mộ người mẫu sẽ có tư tưởng “tán thưởng, đồng tình”. Với số lượng người theo dõi vô cùng lớn thì không còn nghi ngờ gì nữa về tác động xã hội tiêu cực mà những video biểu diễn trên mô tô gây ra.

 

Xét thấy việc đăng tải, phát tán nội dung các video clip của các tài khoản nêu trên có ảnh hưởng xấu đến vấn đề an ninh trật tự và an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ, đặc biệt đây là tài khoản mạng xã hội được hàng triệu người theo dõi, đã vi phạm về Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội tại Quyết định số 874 ngày 17/6/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, cần được ngăn chặn, xử lý kịp thời, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM và Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao – Công an TP.HCM đã chuyển thông tin, tài liệu đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 01/3/2024, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, Sở đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyễn Thị Lệ Nam Em (SN 1996, là hoa khôi, người mẫu, ca sĩ) 37,5 triệu đồng. 

 

Cụ thể, ngày 01/3, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã phối hợp cùng Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP.HCM mời bà Nam Em đến làm việc về hoạt động cung cấp thông tin trên các tài khoản mạng xã hội của bà này.

 

Trước đó, bà Nam Em liên tiếp tổ chức livestream trên các tài khoản mạng xã hội, gợi lại chuyện tình cảm ồn ào trong quá khứ, không ngại tiết lộ góc khuất showbiz… Bên cạnh đó, Nam Em còn có phát ngôn nhắc đến Bác Hồ. Những nội dung phát ngôn gây tranh cãi của bà Nam Em đã gây ồn ào mạng xã hội và nhiều thông tin tiêu cực.

 

Từ các hành vi trên, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM quyết định xử phạt vi phạm bà Nam Em về hành vi cung cấp thông tin gây hoang mang trong nhân dân và hành vi cung cấp thông tin xúc phạm danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

 

Tổng số tiền xử phạt hành chính đối với 2 hành vi vi phạm là 37,5 triệu đồng".

Ngày 02/10/2023, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM có buổi làm việc với ông Võ Đình Quốc (tức Facebooker Võ Quốc). Sau buổi làm việc, Facebooker Võ Quốc đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng vì đã có những bài viết đăng trên trang cá nhân có nội dung xúc phạm báo chí.

Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết tại buổi làm việc, ông Võ Đình Quốc đã nhận trách nhiệm đối với bài viết trên trang Facebook cá nhân mang tên Vo Quoc có nội dung xúc phạm báo chí. Ngoài ra, ông Quốc cũng cam kết sẽ sớm công khai xin lỗi trên trang cá nhân của mình và hứa sẽ không tiếp tục tái phạm.

Trước đó, vào tối 21/9/2023, trang Facebook Vo Quoc đăng một số thông tin thoá mạ và thiếu chuẩn mực, thậm chí chửi bới báo chí. Tuy nhiên, vào trưa hôm sau, trang này đăng bài giải thích là do tài khoản bị “hack”, bản thân không viết như thế và ông đã xóa bài viết cũ.

Với trường hợp của ông Võ Quốc, sau khi Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM làm việc lần thứ hai, nghe chủ tài khoản và người quản lý giải trình, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) quyết định chưa đưa vào danh sách đen (Blacklist). Nhưng cơ quan chức năng khẳng định việc xử phạt là đương nhiên và ông Võ Quốc cần rút kinh nghiệm trong việc bảo vệ, quản lý tài khoản cá nhân.

Danh sách đen (Blacklist) và danh sách trắng (Whitelist) là sáng kiến được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai trên cơ sở đồng thuận của các nhãn hàng, doanh nghiệp, đại lý quảng cáo lớn nhất của Việt Nam.

Danh sách nội dung “đã được xác thực” trên mạng (Whitelist) sử dụng cho hoạt động quảng cáo. Đây là những tờ báo, tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội có đầy đủ thông tin về cơ quan cấp phép, số giấy phép, đơn vị được cấp phép, cơ quan chủ quản cũng như tên miền website. Ngoài ra, còn có trang, kênh, tài khoản mạng xã hội của các cơ quan báo chí, người nổi tiếng đăng ký với Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử được vào Whitelist để giới thiệu cho nhãn hàng lựa chọn quảng cáo.

Còn với Blacklist (danh sách đen quảng cáo) tập hợp những trang web, tài khoản mạng vi phạm pháp luật Việt Nam. Danh sách được gửi định kỳ cho các đơn vị quảng cáo và nhãn hàng, nhằm khuyến nghị không quảng cáo, chặn nguồn tiền của các kênh vi phạm trong trường hợp chưa thể gỡ bỏ khỏi nền tảng. Đến nay, khoảng 120 trang web và 60 tài khoản mạng xã hội xuyên biên giới đã bị đưa vào Blacklist.

Sáng kiến về Blacklist và Whitelist được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai từ đầu năm 2023 nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp, nhãn hàng, qua đó góp phần làm trong sạch không gian mạng.

Trước những nguy cơ gây bất ổn chính trị, xã hội, tổn thất kinh tế nghiêm trọng và đe dọa an ninh quốc gia, các nước đã liên tục siết chặt các quy định sẵn có, tăng cường phối hợp đa quốc gia, áp lực lên các mạng xã hội hành động quyết liệt hơn vì một môi trường mạng lành mạnh.

Tại Mỹ, quá trình phát triển Internet và mạng xã hội nhanh chóng đã đặt ra nhiều chính sách về an ninh mạng. Sau Tu chính án đầu tiên quy định về tự do ngôn luận, nước Mỹ đã liên tục bổ sung thêm các đạo luật và bộ quy tắc qua các năm, cho phép chính quyền ngăn chặn và trừng phạt các phát ngôn có tính chất khiêu dâm, tục tĩu, phỉ báng, xúc phạm và gây hấn mà không bị xem là vi hiến.

Tại Liên minh Châu Âu (EU), kể từ cuối tháng 8/2023, Đạo luật Dịch vụ kĩ thuật số (DSA) đã bắt đầu có hiệu lực, áp dụng cho toàn bộ các nhà khai thác. DSA gồm nhiều quy định pháp lý áp dụng cho bất kỳ hoạt động kỹ thuật số nào trong các quốc gia EU. Các công ty truyền thông xã hội lớn sẽ được yêu cầu thiết kế lại hệ thống của họ và phải đứng ra chịu trách nhiệm pháp lý cho mọi vấn đề trên nền tảng của mình, từ tin giả đến thao túng người dùng, hoạt động tuyên truyền, tội phạm, phát ngôn thù địch, bạo lực cũng như lạm dụng trẻ em. Những công ty không tuân thủ sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt, bao gồm các khoản tiền phạt lớn, lên tới 6% doanh thu toàn cầu, và lệnh cấm trên toàn EU.

Nga cũng sở hữu cho mình một khối lượng lớn các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động thông tin và truyền thông đại chúng. Trong đó có Luật số 242-FZ tập trung vào chính sách quản lý mạng xã hội ở Nga. Theo đó, yêu cầu tất cả công ty Internet, quản lý hộp thư điện tử, công cụ tìm kiếm, các mạng xã hội nội địa hoặc nước ngoài nhằm đến người dùng Nga phải ghi chép, hệ thống hóa, lưu trữ dữ liệu người dùng tại máy chủ đặt tại Nga. Năm 2019, Tổng thống Vladimir Putin đã ban hành Luật về tin giả và thông tin xúc phạm chính quyền trên Internet nhằm kiểm soát và điều chỉnh hành vi con người trên không gian mạng. Mức phạt hành chính sẽ tăng dần theo 3 cấp độ: từ tạo ra mối đe dọa đến gây nhiễu loạn trong đời sống xã hội và cao nhất là gây chết người. Đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ: trong 24 giờ không thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng, trang web chứa thông tin vi phạm sẽ bị đóng.

Singapore đã ban hành chính sách mạnh tay xử lý vấn nạn tin giả trên mạng xã hội, có tên gọi Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến, hay còn gọi là luật Chống tin giả. Nhiều mức phạt được đưa ra, trong đó mức thấp nhất đối với người tung tin giả, sai sự thật là phạt hành chính với mức phạt lên tới 100.000 đô la Singapore, tương đương khoảng 1,7 tỷ đồng, và cao nhất là hình sự, phạt tù lên tới 10 năm.

Tại Thái Lan, Bộ Xã hội và Kinh tế số đã thành lập Trung tâm Chống tin giả (AFNC - Anti-Fake News Center) nhằm ngăn chặn và giải quyết vấn đề lan truyền tin tức giả mạo. Nước này còn ra mắt Cuộc thi Diễn thuyết ASEAN 2023 – “Stop Cyberbullying in ASEAN” (Tạm dịch: “Ngưng bắt nạt trên mạng ở ASEAN”), giúp nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về sự nguy hiểm của việc bắt nạt trên mạng, giáo dục người trẻ về cách đối phó với những thách thức kỹ thuật số, cũng như tăng cường nhận thức về khủng hoảng số ở giới trẻ.

Xác thực hai yếu tố

Việc bảo vệ các tài khoản mạng xã hội, hay những tài khoản khác, là một vấn đề hệ trọng. Vấn đề quan trọng nhất là trước khi chúng ta sử dụng bất kỳ một dịch vụ gì, cần tìm hiểu thật kỹ dịch vụ đó, sử dụng được tất cả tính năng mà nhà cung cấp đưa ra.

Theo Bộ Công an, tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai.

 

Hiện tại, Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng (đang lấy ý kiến và chờ Chính phủ ban hành) có đưa ra quy định với mức xử phạt tối đa dành cho các tổ chức vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân là phạt tiền tới 5% tổng doanh thu năm tài chính liền trước tại Việt Nam đối với hành vi vi phạm từ lần 3 trở lên.

 

Đồng thời có thể xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động hệ thống thông tin, sản phẩm, dịch vụ từ 01 – 03 tháng đối với tổ chức, cá nhân vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Thông điệp 5K

Trong giai đoạn ứng phó dịch bệnh COVID-19, chúng ta đã quen thuộc với nguyên tắc 5K. Nay với mạng xã hội, chúng ta cũng có quy tắc 5K. Đó là:

Mỗi người cần tỉnh táo, trở thành “người đọc thông thái”, thực hiện trách nhiệm công dân trong việc đưa tin, chia sẻ trên mạng xã hội; không nên chia sẻ các thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật.

Tháng 12/2023 đánh dấu mốc 13 năm xảy ra “Mùa xuân Ả-rập” gây nhiều đau thương, đây là biến cố – sự kiện được đánh giá là một trong những “chương đáng lưu tâm nhất trong đời sống quốc tế của thế kỷ 21”.

Từ cuối tháng 12/2010 đến đầu năm 2011, hàng loạt cuộc chính biến, “cách mạng đường phố” để lật đổ chính quyền ở nhiều nước Bắc Phi và Trung Đông đã bùng nổ. Mở đầu là cuộc “cách mạng hoa nhài” ở Tunisia đến “cách mạng hoa sen” ở Ai Cập. Sau đó như một hiệu ứng domino, nó lan rộng ra hầu hết các nước Ả-rập. “Mùa xuân Ả-rập” không hề mang lại mùa xuân, trái lại, còn biến thành “mùa đông” của chiến tranh, đau thương, đói khổ, tình trạng khủng bố, cực đoan gia tăng…

Mở màn sự kiện “Mùa xuân Ả-rập” là ngày 17/12/2010, Mohammed Bouazizi, một người bán hàng rong 26 tuổi ở Tunisia, tự thiêu để phản đối việc bị tịch thu chiếc xe chở rau, quả, phương tiện kiếm sống cho cả gia đình nghèo khó. Bouazizi chết sau đó hai tuần.

Ở Ai Cập, một thanh niên khác là Khaled Said, 28 tuổi, bị cảnh sát bắt quả tang trong khi đang đưa lên mạng đoạn băng video tố cáo tham nhũng trong ngành cảnh sát. Vì không xuất trình giấy tờ tùy thân nên Khaled Said bị lôi từ quán cà phê ra đánh đập đến chết.

Mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp mạnh, song cuối cùng Tổng thống Mubarak vẫn phải từ chức vào đầu tháng 02/2011 sau hơn 30 năm cầm quyền.

Việc chính quyền Tunisia và Ai Cập bị thay đổi trong thời gian ngắn được ví như con virus độc hại lan rộng tới các nước Trung Đông và Bắc Phi. Các thế lực bên ngoài nhân cơ hội này “đục nước béo cò” để hà hơi, tiếp sức với cái gọi là “dân chủ, tự do và một tương lai tươi mới”.

Trong tuần Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak từ chức đầu năm 2011, các dòng Tweet (mạng xã hội Twitter trước đây) từ Ai Cập và khắp thế giới về thay đổi chính trị ở Ai Cập đã vọt lên từ con số trung bình 2.300 một ngày lên tới con số 230.000.

Bên cạnh đó, các video về biểu tình và bình luận chính trị ở nước này lan tràn khắp thế giới với số lượng người xem rất cao: 23 video đầu bảng thu hút gần 5,5 triệu lượt xem. Các nội dung mà những nhóm đối lập sản xuất để đăng trên mạng xã hội cũng tăng với tốc độ chóng mặt.

Trong “Mùa xuân Ả-rập”, mạng xã hội đã trở thành “chiến trường không tiếng súng”.

Các chuyên gia đã nghiên cứu, tổng kết và rút ra bài học từ sự sụp đổ của Liên Xô, Đông Âu, từ sự kiện “Mùa xuân Ả-rập”, là phải luôn luôn tỉnh táo phòng ngừa và sẵn sàng đối phó với các nguy cơ an ninh truyền thống và nguy cơ an ninh phi truyền thống; phòng, chống “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Trách nhiệm sử dụng mạng xã hội càng có ý nghĩa cấp thiết khi ngày càng có nhiều cạm bẫy bủa vây người dùng. Đặc biệt, cán bộ, Đảng viên càng đóng vai trò quan trọng. Đi với đó là việc hiểu rõ, thực hiện Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

(HTV) - Đối với cán bộ, Đảng viên, mỗi bài đăng trên mạng phản ánh nhận thức chính trị, cho thấy Đảng viên đó có thực sự hiểu rõ về trách nhiệm của mình khi sử dụng mạng xã hội hay không.
Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
(HTV) - Tích hợp nội dung đào tạo các chứng chỉ nghề nghiệp vào chương trình giảng dạy sẽ giúp cho sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại vững vàng khi bước vào thị trường lao động.
Từ 15 giờ ngày 04/7, giá mặt hàng xăng E5 RON92 tiếp tục tăng 447 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 542 đồng/lít; dầu diesel tăng 487 đồng/lít; dầu hỏa tăng 602 đồng/lít và dầu mazut tăng 88 đồng/kg.
(HTV) - Trong bối cảnh sức mua giảm và giá cả tăng, TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường và hỗ trợ người tiêu dùng.
(HTV) - Vốn là thợ lặn giàu kinh nghiệm, Pyotr Dotsenko đã mang kỹ thuật "alla prima" xuống đại dương để vẽ tranh dưới nước. Kỹ thuật này cho phép anh Dotsenko vẽ các lớp sơn ướt chồng lên nhau dưới nước và hoàn thiện tác phẩm trong thời gian ngắn.
(HTV) - Chương trình Chợ phiên OCOP "Hương vị An Giang" là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà bán hàng, cơ sở sản xuất địa phương chia sẻ và nâng cao kỹ năng trong việc xúc tiến thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của các sản phẩm OCOP.
(HTV) - Zalopay chính thức công bố định hướng mới với việc mở rộng hệ sinh thái thanh toán và thêm nhiều tính năng đột phá, đồng thời công bố bộ nhận diện thương hiệu mới.
(HTV) - Ngày Hội Công Nghệ - Đấu Trường Robot không chỉ là sân chơi hè cho các em thiếu nhi, mà còn là dịp để các em trau dồi, học hỏi từ những chuyên gia công nghệ với nhiều hoạt động triển lãm, thuyết trình.