Tác phẩm truyền hình chính luận: Đào sâu sáng tạo về nội dung và hình thức

VĂN KHÁNH - MẠNH TRÌNH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 23/10/2023, 13:47

(HTV) - Tác phẩm báo chí nói chung, truyền hình nói riêng, về đề tài chính luận (như: xây dựng Đảng, hệ thống chính trị…) luôn là thử thách khó khăn đối với các phóng viên, biên tập viên.

Cái khó nằm ở chỗ thể hiện bằng ngôn ngữ truyền hình - hình ảnh động, với nội dung phù hợp, để khán giả mọi lứa tuổi, trình độ, có thể hiểu được. Tức là phải thật hấp dẫn và dễ dàng đi vào lòng người. Điều này đòi hỏi ở phóng viên, biên tập viên một nền tảng kiến thức vững chắc về đa dạng lĩnh vực, vấn đề, và óc phân tích sắc bén. Nói cách khác, là phải luôn đào sâu nghiên cứu để có thể sáng tạo về nội dung và hình thức thể hiện.

Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc và ban phụ trách các đơn vị nội dung của Đài Truyền hình TP.HCM xác định việc tuyên truyền về Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới (gọi tắt là Nghị quyết 35); và Đề án 05-ĐA/TU ngày 19/6/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng Internet, mạng xã hội trên địa bàn Thành phố (gọi tắt là Đề án 05), là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. Từ đó, triển khai, lồng ghép những nội dung này trong các chương trình, chuyên đề, chuyên mục, đặc biệt là tại Trung tâm Tin tức.

Trung tâm Tin tức đưa tin kịp thời, đầy đủ các sự kiện của Thành ủy, các ban xây dựng Đảng, các quận, huyện ủy, Thành ủy Thủ Đức có liên quan trực tiếp đến việc quán triệt, triển khai Nghị quyết 35 và Đề án 05.

Trung tâm Tin tức cũng chú trọng theo dõi, triển khai nhiều tuyến bài có sự gắn kết chặt chẽ với Nghị quyết 35 và Đề án 05, như: Đấu tranh các hành vi, cách ứng xử không phù hợp trên mạng xã hội; các mô hình, cách làm hay của Đoàn viên, thanh niên, cán bộ, công chức trẻ lan tỏa những nội dung tốt, tích cực, “truyền cảm hứng” trên Internet và mạng xã hội; cảnh báo, đấu tranh các chiêu trò lừa đảo, lan truyền thông tin xấu, độc, không đúng sự thật… Đây là những đề tài báo chí hấp dẫn, được khán giả, nhất là các bạn trẻ, quan tâm.

Trước yêu cầu nhiệm vụ tăng tần suất và nâng cao chất lượng tuyên truyền về Nghị quyết 35 và Đề án 05, vào tháng 02/2023, Trung tâm Tin tức nghiên cứu xây dựng một chuyên mục về nội dung này, với tên gọi “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, phát sóng trong chương trình Thời sự 20 giờ HTV9. Chuyên mục được giao cho một nhóm biên tập viên (đa số là Đảng viên) xây dựng kế hoạch, tìm kiếm chất liệu và cách thức thực hiện phù hợp.

Chuyên mục đề ra 10 nhóm nội dung, đề tài cơ bản:

Mỗi bài, cụm vấn đề khai thác thông tin sâu, chặt chẽ, gắn với câu chuyện về nhân vật, mô hình, cách làm hay; phỏng vấn đa dạng.

Tính từ tháng 3, dự kiến đến hết năm 2023, chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” thực hiện 15 phóng sự và cụm bài chuyên sâu; tần suất trung bình 02 bài/tháng. Giai đoạn 01 gồm 07 bài; giai đoạn 02 (sau khi sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm giai đoạn 01) đầu tư hơn về mọi mặt, thực hiện 08 bài.

Thông qua thực tiễn xây dựng chuyên mục, anh chị em phóng viên, biên tập viên có cơ hội bồi dưỡng nhận thức, học tập và mở rộng kiến thức về xây dựng Đảng, các vấn đề mới và khó, qua đó cũng giúp nâng cao “tay nghề” về nghiệp vụ truyền hình.

Cùng suy nghĩ với các thành viên trong nhóm thực hiện, BTV Thanh Tâm chia sẻ: “Tham gia vào chuyên mục Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bản thân tôi phải học và đọc rất nhiều. Bởi muốn bảo vệ thì phải biết về điều mình cần bảo vệ và biết mình cần bảo vệ điều gì. Kiên định với đường lối của Đảng, nói đúng, làm đúng, trên cơ sở làm đúng đó sẽ tiếp tục vận dụng linh hoạt, sáng tạo, chuyển tải những câu chuyện cụ thể với nhân vật cụ thể, cùng việc phản ánh chân thật những lát cắt mang hơi thở cuộc sống để khán giả dễ tiếp cận nhất.”

Với thể loại truyền hình, chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” đặt ra nhiều thách thức rất lớn; nếu không vượt qua và giải quyết những khó khăn trong quá trình thực hiện, sẽ không đạt được yêu cầu tuyên truyền.

Nghị quyết 35 và Đề án 05 đề cập những mảng nội dung lớn, cần nghiên cứu, đào sâu để chọn những “lát cắt” phù hợp với diễn tiến thời sự, hoặc tùy theo tính phù hợp, cấp bách của vấn đề được chọn.

Như trong tháng 4/2023, nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc 2023 (21/4), chuyên mục triển khai đề tài “Giữ vững vai trò chủ đạo của sách lý luận chính trị (trong nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng) (phát sóng ngày 22/4/2023), hoặc đề tài “Phát huy vai trò của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” (phát sóng ngày 17/6/2023) nhân dịp Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), hay như đề tài “Nâng cao vai trò công tác tuyên giáo trong giai đoạn mới” (phát sóng ngày 31/7/2023) phù hợp dịp kỷ niệm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo của Đảng (01/8).

Đội ngũ phóng viên, biên tập viên cũng cần tham khảo, bám sát các định hướng, hướng dẫn của Trung ương về tuyên truyền, như Hướng dẫn số 97-HD/BTGTW ngày 08/3/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Kế hoạch số 114 ngày 21/4/2023 của Ban Tổ chức Trung ương về Thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2023…

Những nội dung liên quan đến chính trị, công tác Đảng nói chung vốn rất khó thể hiện bằng hình ảnh động, do đó khâu nghiên cứu nội dung cần gắn với chuẩn bị hình ảnh tương ứng, cùng với đồ họa, tư liệu, nội dung và bối cảnh hiện dẫn của biên tập viên.

Như trong bài “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nỗ lực không ngừng nghỉ”, những hình ảnh tư liệu về xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”, hình ảnh làm việc, tham gia tố tụng của các cơ quan tư pháp (viện kiểm sát, tòa án…), hình ảnh đồ họa giới thiệu cuốn sách của Tổng Bí thư “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”... góp phần rất quan trọng trong việc thể hiện được các nội dung và thông điệp của đề tài.

Nhiều đề tài của chuyên mục cần có sự ghi nhận thực tế tại cơ sở, phường, xã, quận, huyện. Thông tin từ cơ sở vô cùng sinh động, cần được tìm hiểu, thu thập để có thể làm nên tác phẩm báo chí hay về Nghị quyết 35 và Đề án 05.

Để kết nối hiệu quả với cơ sở, ngoài việc duy trì liên hệ thường xuyên với địa phương, nhóm biên tập viên phải dày công chuẩn bị tư liệu, làm rõ những nội dung cần tìm hiểu để địa phương có thể nắm bắt được ý tứ, mấu chốt của đề tài. Có như vậy mới giúp tìm được câu chuyện hấp dẫn, nhân vật phù hợp và các chất liệu hay, sát sườn với đề tài.

Trong bài “Quy định 85 của Ban Bí thư: Nâng ‘sức đề kháng’ khi sử dụng mạng xã hội”, nhóm thực hiện đã ghi nhận những cách làm hay tại Đảng ủy Phường 4, Quận 3 và Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức, qua đó làm rõ nhận thức của cấp ủy, cán bộ, Đảng viên về sử dụng mạng xã hội đúng, hiệu quả theo Quy định 85 của Ban Bí thư.

Trong quá trình triển khai các đề tài về Nghị quyết 35 và Đề án 05, không thể thiếu việc cập nhật các quy định mới của Trung ương và những chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về các vấn đề, nội dung có liên quan, như Quy định số 85-QĐ/TW ngày 07/10/2022 của Ban Bí thư về việc cán bộ, đảng viên thiết lập và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên Internet, mạng xã hội; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ

Với một số đề tài phù hợp, có thể nghiên cứu, tìm thêm chất liệu báo chí nước ngoài. Như trong bài “Phản bác các luận điệu sai trái, thù địch về thành quả chống dịch COVID-19 tại Việt Nam”, có phần nội dung báo chí thế giới phản ánh về việc xét xử hành vi trục lợi từ đại dịch COVID-19 tại các nước Mỹ, Trung Quốc… Nội dung này làm cho đề tài dày hơn về chất liệu, thêm phần khách quan.

Những phản hồi của khán giả, trong đó có cán bộ, Đảng viên, sẽ giúp nhóm thực hiện điều chỉnh nội dung và hình thức thể hiện của các đề tài, để ngày càng thiết thực, hấp dẫn, lan tỏa đến đông đảo người xem hơn nữa. Thông qua phản hồi, nhóm thực hiện cũng có thể nắm bắt, phát hiện thêm đề tài hay để triển khai vào thời điểm phù hợp.

Từ khi được đưa vào hoạt động, website HTV Newz – Tin tức thế hệ mới đã phát huy vai trò tích cực và năng động trong việc cập nhật và lan tỏa nội dung của Thời sự nói riêng và của Đài Truyền hình TP.HCM nói chung trên nền tảng số.

Đối với chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, nhóm nội dung số cũng đã xây dựng một chuyên mục riêng, liên tục cập nhật và tập hợp tất cả bài đã phát sóng tại địa chỉ: https://htv.com.vn/bao-ve-tu-tuong-dang

Từ bài đã phát sóng, nhóm thực hiện biên tập lại phần văn bản, chọn lọc hình ảnh, để thực hiện bài cho web dạng LongFORM. Phần thiết kế đồ họa cho các bài này cũng được chăm chút, có điểm nhấn, dễ nhận diện. Phần nội dung khá dày, cùng các phát biểu, phỏng vấn chất lượng làm nên một bài tạp chí chuyên sâu, có giá trị tham khảo cao.

Bài LongFORM cho web cũng được đầu tư thêm bằng cách có những phần mở rộng, cung cấp thêm thông tin về các vấn đề, quy định… được đề cập trong đề tài, nhưng đề tài phát sóng truyền hình không thể làm rõ hết vì giới hạn thời lượng.

Như trong bài “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Nỗ lực không ngừng nghỉ”, có đề cập đến vụ án “chuyến bay giải cứu” và phỏng vấn ông Nguyễn Đình Trung, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Điều thú vị là Viện trưởng Nguyễn Đình Trung lại có một bài thơ tựa đề “Sự thật” bày tỏ những cảm nghĩ về đại án (từng được đăng trên báo điện tử Bảo vệ pháp luật – cơ quan của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao), nên nhóm thực hiện đã đưa thêm bài thơ này vào cuối bài LongFORM trên web, như một cách bổ sung, làm hoàn chỉnh hơn những góc cạnh của đề tài.

Như các tin, bài khác, link YouTube những đề tài phát sóng cũng được nhúng vào bài web, để khán giả có thể xem (hoặc xem lại) bài đã phát sóng.

Thực hiện các tác phẩm báo chí chính luận vừa là thử thách, vừa là cơ hội cho mỗi nhà báo. Nói đó là cơ hội, tức là một dịp thử thách chính mình, tìm tòi và sáng tạo, thực hiện cho bằng được đề tài đặt ra.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9


Ý kiến của bạn:
Bài liên quan
(HTV) - Tích hợp nội dung đào tạo các chứng chỉ nghề nghiệp vào chương trình giảng dạy sẽ giúp cho sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại vững vàng khi bước vào thị trường lao động.
Từ 15 giờ ngày 04/7, giá mặt hàng xăng E5 RON92 tiếp tục tăng 447 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 542 đồng/lít; dầu diesel tăng 487 đồng/lít; dầu hỏa tăng 602 đồng/lít và dầu mazut tăng 88 đồng/kg.
(HTV) - Trong bối cảnh sức mua giảm và giá cả tăng, TP.HCM đang triển khai nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường và hỗ trợ người tiêu dùng.
(HTV) - Vốn là thợ lặn giàu kinh nghiệm, Pyotr Dotsenko đã mang kỹ thuật "alla prima" xuống đại dương để vẽ tranh dưới nước. Kỹ thuật này cho phép anh Dotsenko vẽ các lớp sơn ướt chồng lên nhau dưới nước và hoàn thiện tác phẩm trong thời gian ngắn.
(HTV) - Chương trình Chợ phiên OCOP "Hương vị An Giang" là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà bán hàng, cơ sở sản xuất địa phương chia sẻ và nâng cao kỹ năng trong việc xúc tiến thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững của các sản phẩm OCOP.
(HTV) - Zalopay chính thức công bố định hướng mới với việc mở rộng hệ sinh thái thanh toán và thêm nhiều tính năng đột phá, đồng thời công bố bộ nhận diện thương hiệu mới.
(HTV) - Ngày Hội Công Nghệ - Đấu Trường Robot không chỉ là sân chơi hè cho các em thiếu nhi, mà còn là dịp để các em trau dồi, học hỏi từ những chuyên gia công nghệ với nhiều hoạt động triển lãm, thuyết trình.