(HTV) - Công ty Điện lực Tokyo TEPCO - nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi bị tê liệt của Nhật Bản, đã bắt đầu đợt xả nước thải nhiễm hạt nhân đã qua xử lý thứ ba ra biển trong ngày hôm nay 02/11.
Truyền thông Nhật Bản dẫn nguồn tin từ TEPCO cho hay, trong giai đoạn thứ ba, khoảng 7.800 tấn nước ô nhiễm sẽ được thải ra Thái Bình Dương từ ngày 2/11, tương đương với lượng nước xả ở hai đợt trước.
Giai đoạn thứ ba dự kiến kéo dài đến khoảng ngày 20/11. Giai đoạn thứ tư sẽ khởi động vào đầu năm 2024.
Đợt 3 xả nước thải nhiễm hạt nhân đã qua xử lý ra biển kéo dài ngày 2/11 đến ngày 20/11. Nguồn ảnh: AP
Nhật Bản đã cho xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra Thái Bình Dương từ ngày 24/8, bất chấp những lo ngại của dư luận cũng như sự phản đối mạnh mẽ từ cả trong nước và cộng đồng quốc tế. TEPCO cho biết họ có kế hoạch xả khoảng 31.200 tấn nước độc hại pha loãng trong bốn đợt, hoàn tất trước cuối tháng 03/2024.
Cho đến nay, kết quả lấy mẫu nước biển của TEPCO và chính phủ đã phát hiện ra tritium, chất mà họ cho là không thể tách rời bằng công nghệ hiện có, ở mức nhỏ hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới đối với nước uống.
Nhật Bản khẳng định Tritium trong mẫu nước biển thu thập ở mức an toàn so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới đối với nước uống. Nguồn ảnh: AP
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA kết luận rằng nếu việc xả thải được thực hiện theo kế hoạch sẽ có tác động không đáng kể đến môi trường, sinh vật biển và sức khỏe con người. Tháng 10 vừa qua, cơ quan này nói rằng họ cảm thấy yên tâm trước các hoạt động suôn sẻ cho đến nay.
Khoảng 1,34 triệu tấn nước thải phóng xạ được chứa trong khoảng 1.000 bể chứa tại nhà máy Fukushima Daiichi. Nó đã tích tụ kể từ khi nhà máy bị tê liệt sau trận động đất và sóng thần lớn xảy ra ở vùng đông bắc Nhật Bản vào năm 2011.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9