LONGFORM: Văn hóa số bền vững đi cùng với quy tắc ứng xử văn minh trên mạng

HOÀNG YẾN - VÂN ANH - TRỌNG AN - ĐỨC VINH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 6/5/2025, 23:41

(HTV) - Ứng dụng công dân số TP.HCM góp phần kết nối chính quyền với người dân trong tiến trình chuyển đổi số. Để phát huy hiệu quả, cần khắc phục thói quen sử dụng, nâng cấp tính năng, hoàn thiện hành lang pháp lý và tăng cường kỹ năng số cho cộng đồng.

Trong bối cảnh số hóa mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu nâng cao kỹ năng số cho người dân, ứng dụng công dân số thành phố Hồ Chí Minh ra đời nhằm tăng cường kết nối, là kênh giao tiếp 2 chiều giữa chính quyền và người dân, tích hợp các tính năng thiết yếu như tiếp nhận phản ánh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và hỗ trợ tra cứu thông tin. 

Phóng viên HTV trao đổi với bà Võ Thị Trung Trinh - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM 

Ứng dụng được Trung tâm chuyển đổi số thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật số, xây dựng trên nền tảng dữ liệu từ các sở, ngành, được bảo mật toàn diện thông tin dữ liệu người dùng. Việc triển khai ứng dụng này hứa hẹn thúc đẩy thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh với Trung tâm chuyển đổi số giữ vai trò điều phối, hỗ trợ quá trình số hóa toàn diện của thành phố.

 

Bà Võ Thị Trung Trinh - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM cũng cho hay, trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ứng dụng công dân số TP.HCM tập trung triển khai hai nhóm tiện ích thiết thực phục vụ đời sống người dân. 

Thứ nhất, đối với y tế, ứng dụng đã tích hợp kết quả khám sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi theo chính sách của thành phố. Điều này giúp người dân dễ dàng lưu trữ và theo dõi thông tin sức khỏe do cơ quan chức năng cung cấp. Thứ hai, trong lĩnh vực giáo dục, ứng dụng cung cấp kênh liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh, giúp phụ huynh tiếp cận thông tin từ nhà trường một cách thuận tiện.

Đặc biệt, ứng dụng công dân số đã kịp thời cập nhật thông tin chi tiết về các sự kiện, lễ hội diễn ra tại TP.HCM, cùng với phương án điều phối giao thông. Qua đó, người dân có thể chủ động lên kế hoạch tham gia các hoạt động yêu thích và điều chỉnh lịch trình di chuyển, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và tăng cường thuận tiện trong những ngày lễ lớn.

 

Tuy nhiên, dù đã đi vào hoạt động, bà Võ Thị Trung Trinh chia sẻ rằng ứng dụng vẫn đối diện nhiều khó khăn. Điển hình là thói quen sử dụng hạn chế và sự xa lạ của người dân đối với nền tảng này, cùng với đó là các tính năng hiện tại chưa hoàn toàn đáp ứng được đa dạng nhu cầu của người dùng. Đây là các vấn đề quan trọng cần được cải thiện.

Định hướng dành cho người dân khi tham gia sử dụng ứng dụng công dân số:

Nhằm phát triển không gian mạng lành mạnh, người dân cần cung cấp danh tính cá nhân và thông tin chính xác, mang tính chuẩn mực. Ứng dụng công dân số TP.HCM sử dụng VNeID làm tài khoản đăng nhập chính thức. Việc này giúp xác định danh tính, tăng trách nhiệm của người dùng khi tương tác, cung cấp thông tin chính xác và tuân thủ quy tắc trên mạng khi sử dụng các tính năng như phản ánh kiến nghị, đóng góp ý kiến hoặc tương tác với các hệ thống khác.

Bên cạnh đó, ý thức của người dùng khi tương tác trên các nền tảng số đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ không gian mạng văn minh cũng như bảo vệ thông tin của mỗi cá nhân. Việc chủ động xác định dữ liệu nào cần cung cấp, chia sẻ với ai không chỉ giúp khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thông tin mà còn ngăn chặn các hành vi lợi dụng, bảo vệ niềm tin vào môi trường số. Thực tế cho thấy, các sự cố an toàn thông tin có thể làm suy giảm lòng tin này. Để tăng cường bảo vệ người dùng, hành lang pháp lý về dữ liệu cá nhân với Luật Dữ liệu đang từng bước được hoàn thiện.

Tầm quan trọng của kỹ năng số:

Bà Trung Trinh nhấn mạnh, bảo đảm an toàn thông tin và giao dịch trực tuyến là yếu tố then chốt để củng cố niềm tin của người dân và tổ chức. Vì vậy, trang bị kỹ năng số cho người dân là vô cùng cần thiết để phòng tránh các sự cố đáng tiếc như mất mát tài chính hay vướng mắc pháp lý. Kiến thức số đầy đủ không chỉ giúp bảo vệ thông tin cá nhân mà còn xây dựng văn hóa ứng xử văn minh, tôn trọng trên mạng. Đặc biệt, thay vì cấm đoán, việc trang bị kỹ năng số giúp giới trẻ chọn lọc thông tin và tham gia không gian mạng một cách tích cực, điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số hiện nay.

Những bước đầu tiên để hình thành văn hóa số lành mạnh:

Củng cố văn hóa số cần xây dựng các thiết chế, thông lệ dựa trên văn hóa thực tế, phù hợp truyền thống và pháp luật Việt Nam. Bởi lẽ trong trường hợp xảy ra tranh chấp, hệ thống pháp luật vẫn là cơ sở cuối cùng để giải quyết. Theo đó, văn hoá số được hình thành dựa trên văn hoá thực tế. 

Để phát triển văn hóa số bền vững, hai yếu tố then chốt cần được củng cố. Thứ nhất là bộ quy tắc ứng xử, đóng vai trò hành lang pháp lý điều chỉnh hành vi trực tuyến. Thứ hai là nội dung số, với tính chất lặp lại có khả năng định hình ý thức của cả một thế hệ. Do đó các nội dung được truyền tải liên tục trên không gian mạng cần phải được kiểm soát chất lượng chặt chẽ. 

Để xây dựng môi trường văn hóa số lành mạnh và bền vững, bên cạnh việc dễ dàng tiếp cận các sản phẩm giải trí, cần đặc biệt chú trọng xây dựng nội dung số chất lượng, hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử văn minh và trang bị kiến thức mạng là yếu tố bắt buộc. Sự kết hợp hài hòa giữa nội dung số, quy tắc ứng xử và các thiết chế văn hóa sẵn có sẽ tạo nền tảng vững chắc, phù hợp với truyền thống dân tộc và xu hướng phát triển.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: