Đúng dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022), NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành cuốn sách “Lòng nhân ái của Bác Hồ” do tác giả Trần Đình Việt, nguyên Giám đốc NXB Tổng hợp TPHCM nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn.
Cuộc đời của vị lãnh tụ đã có bao nhiêu sách, báo, các công trình nghiên cứu, nhưng lần này cuốn sách hơn 500 trang gồm 2 phần: Phần 1, khoảng 40 trang tiểu luận của tác giả (Nhân ái Hồ Chí Minh); Phần 2, là tuyển chọn sưu tầm 54 câu chuyện đặc biệt của nhiều tác giả nổi tiếng trong ngoài nước (Muôn vàn tình thân yêu).
Lòng nhân ái của Bác Hồ là chủ đề xuyên suốt, những câu chuyện cảm động nhân văn gần gũi của vị lãnh tụ và danh nhân văn hóa thế giới, làm người đọc sẽ bất ngờ và chúng ta nhớ lại câu nói rất đúng của GS Trần Văn Giàu: “Đề tài về Hồ Chí Minh là nguồn giếng trời không bao giờ cạn”.
Phần tiểu luận của cuốn sách giúp chúng ta hiểu sâu chữ Nhân, chữ Dân trong lòng Bác Hồ và kết của tiểu luận dẫn lời cụ Hoàng Đạo Thúy: “Đến bây giờ tôi thấy rằng: Xa rời đạo đức của Hồ Chủ tịch là điều đau xót nhất”. Đó là lời nhắc nhở không chỉ thời cụ Hoàng Đạo Thúy mà có thể soi vào tình hình thời sự hiện nay.
Trong phần các câu chuyện, rất nhiều cảm động và độc đáo. Trong đó có chuyện Bác Hồ với gia đình luật sư Henry Loseby, chuyện người vẽ chân dung Bác ở Việt Bắc, các câu chuyện của văn nghệ sĩ từ Cù Huy Cận, Sơn Tùng, Vũ Kỳ, Tường Vy, Trần Thị Tuyết, Linh Nhâm, Chu Thúy Quỳnh, Trà Giang… cho tới các danh nhân lớn Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Khắc Hòe, bà Ngô Thị Huệ, Nguyễn Thị Bình, Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch... Các câu chuyện của Jean Sainteny, Roman Carmen, nữ thi sĩ Blaga Dimitrova, NJ Niculin… Có câu chuyện tình bạn của Bác với bà Tống Khánh Linh.
Được hỏi vì sao trong rất nhiều đức tính cao quý của Bác Hồ - sách lại chọn “lòng nhân ái” làm chủ đề xuyên suốt, tác giả Trần Đình Việt nhắc lại cảm tưởng khi nghe GS Trần Văn Giàu, sau lần gặp Bác năm 1945 ở Bắc Bộ phủ, nhận xét: “… nếu phải dùng một chữ thôi thì đó là Humain - rất thấu con người”. Bác thương yêu dân, dân yêu thương Bác. Còn ai hạnh phúc bằng.
Các câu chuyện trong sách được mở rộng không gian và thời gian - từ lúc Bác còn trẻ cho tới lúc thành Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Không chỉ với người Việt mà còn với người khắp năm châu.
Tác giả làm sách về lòng nhân ái của Bác Hồ không chỉ là chuyện của danh nhân lịch sử văn hóa, mà còn hướng đến lớp trẻ ngày nay. Nếu thiếu lòng nhân thì thế giới đang xảy ra chuyện gì, loài người đau khổ thế nào, ai cũng đã và đang thấy. Vì vậy lòng nhân ái của Bác Hồ như một tài sản thừa kế cho con người ngày nay và lớp trẻ. Có tài sản thừa kế đó mới thành công và đem lại hạnh phúc cho đất nước và gia đình, làm nên tính cách con người hiện đại luôn cần có lối sống tốt nhất.
Bác Hồ như một biểu tượng tính cách lớn của dân tộc Việt Nam. Lòng nhân ái có từ trong ca dao tục ngữ ông cha truyền lại. Đến Hồ Chí Minh, lòng nhân ái ấy mang tầm nhân loại và hiện đại - và thành một di sản mới nữa. Đó là tài sản có tính thừa kế mà Bác Hồ để lại cho thế hệ sau.
Người trẻ rất cần và cảm nhận rất may mình có được tài sản thừa kế đó để sống và phấn đấu với thời đại mới đang cần tri thức hiện đại nhưng phải có một lòng nhân dẫn dắt.