Lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sẽ bị phạt bao nhiêu tiền?

TẤN TÀI // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 1/12/2023, 12:00

(HTV) - Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh hoặc tổ chức các buổi tiệc tùng xảy ra khá thường xuyên ở TP.HCM, nhiều nơi chính quyền cũng đã can thiệp nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn.

Việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường xảy ra khá thường xuyên tại TP.HCM

Việc xử lý mạnh tay và triệt để vấn nạn này là điều mong mỏi của người dân vì đây là hành vi tiềm ẩn tai nạn giao thông cao, gây mất an ninh trật tự, mỹ quan của đô thị. Đặc biệt trong bối cảnh cuối năm, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng lề đường lại diễn ra nhiều và phức tạp hơn.

Lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, lấn chiếm lòng lề đường để dựng rạp hiếu hỷ, tổ chức tiệc tùng ca hát bên trong những con hẻm nhỏ....Những hành động này không chỉ là lấn chiếm lòng đường, mà còn gây mất an ninh trật tự.

Việc lấn chiếm lòng lề đường để dựng rạp hiếu hỷ, tổ chức tiệc tùng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Như tại TP. Thủ Đức, TP.HCM ngày 21/10 sau tiệc cưới, anh T. cùng 9 người bạn của mình đã bày biện lấn chiếm lối đi chung của mọi người trong con hẻm 1127 khu phố 2, phường Bình Chiểu khiến cho ông P bức xúc, sau đó 2 bên xảy ra mâu thuẫn dẫn đến nổ súng, chém người làm 3 người trọng thương. 

Vụ nổ súng tại TP. Thủ Đức do mâu thuẫn lấn chiếm lối đi chung

Hay việc chiếm dụng con hẻm 112 Ngô Gia Tự, phường 9, quận 10 để tụ tập ca hát nhậu nhẹt diễn ra hầu như mỗi ngày đã khiến cho nhiều người bức xúc vì bị tra tấn bằng âm nhạc và lối đi chung bị thu hẹp.

Các tuyến đường như: Trần Huy Liệu Quận Phú Nhuận, Phạm Văn Bạch Quận Tân Bình, Lê Đức Thọ Quận Gò Vấp,.. nhiều người tham gia giao thông, nhất là những người đi bộ, luôn nơm nớp lo sợ bởi vỉa hè thường bị lấn chiếm bày bán hàng hóa hoặc để xe; trong khi lượng phương tiện trên những đoạn đường này rất đông, tai nạn có thể ập tới bất cứ lúc nào.

Vỉa hè bị lấn chiếm cộng với lượng xe cộ đông cũng gây nhiều nguy hiểm

Luật sư Bùi Khắc Toản - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, Nghị định 100 năm 2013 pháp luật cho phép sử dụng tạm không phải là mục đích giao thông. Còn đối với các hộ gia đình, cá nhân sử dụng chỉ được sử dụng vỉa hè. Lòng đường sử dụng vào đám cưới, đám tang hoặc là trông giữ xe cho việc đám cưới, đám tang là hoàn toàn không được phép. Lòng đường chỉ được sử dụng vào trong mục đích phục vụ lợi ích công cộng như là hội nghị hoặc là để tập kết rác nhưng vẫn phải trừ được cho 2 làn xe tránh nhau qua lại.

Thực tế, tại TP.HCM mặc dù các cấp, ngành chức năng thành phố đã tích cực phối hợp tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, nhưng luôn trong tình trạng "tái lấn chiếm" và chưa có biện pháp giải quyết triệt để. 

Dù cơ quan chức năng xử lý, tình trạng "tái lấn chiếm" vẫn xảy ra

Theo Nghị định số 46 của Chính phủ,  với trường hợp vi phạm này, mức xử phạt cao nhất sẽ từ 4 - 6 triệu đồng. 

Cũng theo Luật sư Bùi Khắc Toản, khi cần sử dụng vỉa hè, lề đường, cần phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền, và UBND cấp phường về việc sử dụng đó. Hơn nữa, việc sử dụng vỉa hè, lề đường đó phải đảm bảo trừ lại tối thiểu 1,5m cho người đi bộ và chỉ được sử dụng tạm trong 48 giờ và trường hợp đặc biệt là 72 giờ.

Để việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ không rơi vào tình trạng "đánh trống bỏ dùi", chính quyền cần có quy định rõ ràng về diện tích vỉa hè được sử dụng, cho các hộ kinh doanh ký cam kết nếu vi phạm sẽ bị thu hồi, xử phạt... Và cộng đồng cần nói không với việc chiếm dụng lòng đường cho mục đích riêng để tạo tiền lệ cho những người khác.

 

Ý kiến của bạn: