(HTV) - Trong lần thứ 3 tổ chức, GEFE 2024 có chủ đề "Kiến tạo tương lai xanh" hướng đến mục tiêu giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận các sáng kiến và giải pháp để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh.
9 tháng năm 2024, tăng trưởng GDP TP.HCM gần 7%, thu ngân sách hơn 371.000 tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài thuộc top đầu cả nước. Giữ vai trò đầu tàu nhưng TP.HCM là một trong 10 thành phố trên toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Trước thách thức phát triển bền vững, TP.HCM coi hợp tác nguồn lực trong và ngoài nước là bước đi tất yếu.
Đây là khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại phiên toàn thể khai mạc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2024 diễn ra sáng ngày 21/10.
Điểm nhấn của sự kiện là hơn 30 phiên thảo luận trải dài trên 10 chuyên đề xanh và một phiên khai mạc cấp cao. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), doanh nghiệp Việt cần thực hiện càng sớm càng tốt các tiêu chuẩn xanh để tạo "hộ chiếu xanh" cho sản phẩm Việt.
Khai mạc Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2024
Ông Margaritis Schinas - Phó Chủ Tịch Ủy ban Châu Âu (EC) bày tỏ: "Ba công việc quan trọng lúc này là doanh nghiệp, chính phủ và người dân phải cùng xây dựng kinh tế tuần hoàn, tái tạo rác thành nguyên liệu, phải có hành động cụ thể thực hiện các khung thỏa thuận hợp tác đã ký kết để có được nguồn vốn xanh. EC đã có ngân sách 7 tỷ Euro hỗ trợ các dự án tăng trưởng xanh từ 2021 - 2030, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục tăng vốn".
Việt Nam nhận thức được rằng, kỷ nguyên tăng trưởng kinh tế không kiểm soát, hy sinh môi trường đã chạm đến giới hạn. Việt Nam kỳ vọng các tiến bộ vượt bậc của khoa học - công nghệ, Cách mạng công nghiệp 4.0 và mạng lưới hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia sẽ kiến tạo một tương lai bền vững toàn cầu.
Đồng chí Bùi Thanh Sơn - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị các nước thành viên EU chia sẻ kinh nghiệm thị trường tín chỉ carbon có kết nối với thị trường thế giới triển khai các dự án Hydrogen. đề nghị EU tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam để tăng cường năng lực quản trị công, kinh tế xanh, kinh tế số.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tháng 9 vừa qua, TP.HCM vừa ban hành "Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024-2030" gồm 14 nhóm nhiệm vụ. Ngoài ra, TP.HCM cũng đang áp dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội để thí điểm cơ chế trao đổi - bù trừ tín chỉ carbon, phát triển năng lượng tái tạo và kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, thu hút nhà đầu tư phát triển Cần Giờ thành trung tâm chuyển đổi xanh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi lễ
Trung bình mỗi năm, TP.HCM phát thải hơn 60 triệu tấn CO2, hiện thành phố đang đặt mục tiêu giảm 10% phát thải vào năm 2030. Với cam kết này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, thành phố mong muốn được lắng nghe chia sẻ các quy định tiến bộ mà Châu Âu đã áp dụng như tiêu chuẩn ESG, Luật chống phá rừng, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon CBAM và các phương thức xanh hóa cộng đồng.
Hướng tới cột mốc kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên minh Châu Âu vào năm 2025, đại diện lãnh đạo 02 bên cam kết sẽ tiếp tục nâng cấp quan hệ ngoại giao, cụ thể hóa các cam kết bằng hành động thực tiễn.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9