Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam và Cục Biến đổi khí hậu (DCC) thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm quản lý khí fluorocarbon (F-gas)” tại Hà Nội vào ngày 28/4/2021.
Hội thảo là một phần của chương trình “Khảo sát về thúc đẩy khung chương trình biến đổi khí hậu tại Việt Nam theo Sổ tay quy tắc thực hiện Thỏa Thuận Paris” mà JICA đã triển khai từ tháng 7/2020 nhằm giúp Việt Nam trao đổi kinh nghiệm về quản lý khí fluorocarbon (F-gas) với các nước khác như Nhật Bản, Úc, Singapore và Malaysia.
Tại hội thảo, các diễn giả đến từ Nhật Bản, Úc, Singapore và Malaysia đã chia sẻ với đối tác Việt Nam về những thách thức và nỗ lực của họ trong việc quản lý khí F-gas. Các diễn giả đều nhất trí rằng các nước châu Á cần chung tay thực hiện các hành động giảm dần khí Hydrofluorocarbons (HFC) – một loại khí fluorocarbon phổ biến - để đáp ứng các mục tiêu đề ra trong Hiệp định Kigali sửa đổi và đóng góp vào Thỏa thuận Paris.
“Cùng với Sáng kiến quản lý vòng đời các chất Fluorocarbon của Chính phủ Nhật Bản mà Việt Nam đã đồng ý tham gia vào tháng 10 năm ngoái, công tác phân tích kỹ thuật về quản lý khí fluorocarbon hiện nay tại Việt Nam của các chuyên gia JICA Nhật Bản sẽ giúp Bộ TN&MT xây dựng các quy chế cụ thể để kiểm soát việc sử dụng và phát thải khí fluorocarbon. Ông MUROOKA Naomichi, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi hy vọng rằng kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc áp dụng các công nghệ thích hợp để thu hồi và tiêu hủy khí fluorocarbon sẽ giúp ích cho các công ty Việt Nam khi Chính phủ triển khai các biện pháp quản lý khí fluorocarbon nghiêm ngặt”.
Tiến sĩ Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, đánh giá cao sự hỗ trợ của JICA và cho biết Điều 92 của Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định trách nhiệm và yêu cầu chính đối với Bộ TN&MT với tư cách là cơ quan đầu mối, đồng thời nêu rõ các bộ ngành liên quan cần có các hành động cụ thể để loại bỏ dần các chất làm suy giảm tầng ôzôn và giảm dần khí HFC. Phát biểu bế mạc hội thảo, Tiến sĩ khẳng định “Việc học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản và các nước khác sẽ giúp chúng ta đưa ra các biện pháp kiểm soát khí HFC hiệu quả và đặc biệt là khuyến khích khu vực tư nhân chuyển sang sử dụng nhiều hơn các công nghệ thân thiện với môi trường”.
Với các nội dung cải tiến của Chương Ứng phó với Biến đổi Khí hậu trong Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2020, Việt Nam tái khẳng định cam kết tham gia các nỗ lực toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Điều 92 của Luật bảo vệ môi trường đặt ra các quy tắc và nguyên tắc quan trọng để Việt Nam kiểm soát chặt chẽ việc tiêu thụ khí fluorocarbon nhằm đảm bảo thực hiện Hiệp định Kigali sửa đổi thuộc Nghị định thư Montreal, một hiệp ước quốc tế về khí fluorocarbon mà Việt Nam đã tham gia và là thành viên tích cực kể từ tháng 9/2019. Việt Nam đã và đang thực hiện các bước để dần loại bỏ tất cả các chất làm suy giảm tầng ôzôn và lập kế hoạch bắt đầu giảm khí fluorocarbon từ năm 2024.
Khí HFC được sử dụng rộng rãi như một chất làm lạnh trong máy điều hòa không khí gia dụng và công nghiệp, tủ lạnh, vệ sinh thiết bị điện tử có độ chính xác cao, chất tạo lực phun, uretan dùng trong vật liệu xây dựng, v.v. HFCs có khả năng gây hiệu ứng nóng lên toàn cầu cao hơn nhiều so với khí CO2 và nếu được giải phóng, khí này sẽ tồn tại trong bầu khí quyển trong suốt hàng chục năm. Theo báo cáo của Bộ TN&MT, năm 2019, lượng tiêu thụ khí HFC của Việt Nam lên đến 3.772,621 tấn trong khi lượng HFC thải ra là 33,69 tấn.