Dự án mở rộng vùng nguyên liệu ớt tại tỉnh Ninh Thuận, do Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp thực hiện, đã ghi nhận những kết quả ấn tượng trong hành trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững.

Tính đến tháng 5/2025, nhiều hộ nông dân đã quay trở lại trồng ớt sau giai đoạn gián đoạn bởi đại dịch COVID-19. Thêm vào đó, CJ đã hỗ trợ miễn phí giống ớt, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho bà con tham gia trồng ớt. Phía KOICA đã cử tình nguyện viên và chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp đến khu vực Tầm Ngân để hỗ trợ dự án. Nếu trước đây, mỗi năm người dân chỉ xuống giống 1 vụ/năm thì hiện nay, dự án đã thúc đẩy việc xuống giống 2 lần/năm.
Dự án ban đầu dự kiến trồng 3ha ớt trong năm nay, nhưng sẽ tăng lên 5ha do số lượng bà con đăng ký trồng lại tăng. Sản lượng ớt bột ước đạt 3,6–4 tấn. Đặc biệt, sản phẩm ớt bột Ninh Thuận – sản phẩm “Vì cộng đồng” – đã chính thức quay lại các kệ hàng tại chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh và Coop Mart, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khôi phục chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

“Nhìn những trái ớt chín đỏ mọng trên cánh đồng và sản phẩm ớt bột ra đời từ sự đồng lòng của cộng đồng, chúng tôi càng tin tưởng vào mô hình phát triển bền vững. CJ mong muốn dự án tiếp tục được củng cố, mở rộng để cải thiện thu nhập và đời sống của nông dân địa phương,” đại diện CJ tại Việt Nam chia sẻ.
Dấu ấn nổi bật của dự án và kế hoạch phát triển bền vững giai đoạn 2024–2026
Khởi động từ năm 2014, dự án đã góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân tại thôn Tầm Ngân (huyện Ninh Sơn) thông qua việc tăng thu nhập từ hợp đồng trồng ớt với nông dân địa phương. Năm 2017, CJ chính thức khánh thành nhà máy chế biến nông sản Tầm Ngân, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm ớt tại khu vực.
Sau giai đoạn ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, CJ tiếp tục đồng hành cùng người dân bằng nguồn vốn khẩn cấp hơn 400 triệu đồng để sửa chữa nhà máy và hỗ trợ nông dân tái canh tác. Từ năm 2023, dự án đã bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ, với sản phẩm ớt bột đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm được đưa trở lại thị trường, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khẳng định chất lượng nông sản địa phương.
Ớt bột CJ qua bàn tay bà con nông dân Ninh Thuận – Ảnh: CJ Group
Hướng tới giai đoạn 2024–2026, dự án đặt mục tiêu tái thiết và phát triển bền vững. Bắt đầu từ tháng 7/2024, CJ và KOICA cam kết đồng hành với tổng mức hỗ trợ lên tới 4,2 tỷ đồng. Khoản đầu tư này sẽ tập trung vào việc mở rộng vùng trồng và tăng cường sự tham gia của nông dân thông qua hỗ trợ giống, phân bón và máy móc; đồng thời củng cố năng lực hoạt động cho hợp tác xã và nhà máy chế biến.
Đặc biệt, dự án cũng sẽ triển khai chương trình cử chuyên gia Hàn Quốc đến hỗ trợ kỹ thuật trong trồng trọt và sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của toàn chuỗi giá trị nông nghiệp địa phương.
Hoạt động cộng đồng đầy ý nghĩa
Song song với các hoạt động phát triển nông nghiệp, CJ còn triển khai nhiều chương trình thiện nguyện tại địa phương. Từ ngày 19–21/2/2025, đoàn tình nguyện CJ gồm hơn 40 người trong đó có các y bác sĩ, dược sĩ, tình nguyện viên từ Hàn Quốc đã tổ chức khám chữa bệnh và tư vấn sức khỏe cho hơn 500 người dân tại Tầm Ngân.

Các em học sinh trường TH Lâm Sơn A mặc đồng phục được trao tặng từ Tập đoàn CJ
Ngoài ra, 500 bộ đồng phục và cặp sách cũng đã được trao tặng cho học sinh tiểu học tại Lâm Sơn A – một trong những khu vực còn nhiều khó khăn.
Dự án không chỉ là một chương trình nông nghiệp, mà còn là mô hình kiểu mẫu cho sự gắn kết giữa doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng – tạo nên giá trị kinh tế, xã hội và môi trường.