Góc nhìn HTV: Hạt gạo Việt tăng trưởng bền vững

NGỌC QUÍ - QUỐC KHANH // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 24/10/2024, 15:00

(HTV) - Việt Nam hiện vẫn là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Một thách thức khác đến từ động thái xuất khẩu của các cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới, như Ấn Độ hay Thái Lan.

Khép lại quý 3 năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, với kim ngạch 4,37 tỷ USD. Thống kê cho thấy, giá xuất khẩu gạo trung bình của Việt Nam trong 9 tháng năm 2024 ở mức 624 USD/tấn, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, sau siêu bão Yagi, gần 300.000ha lúa ở các tỉnh miền Bắc bị ngập úng, hư hại.

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp cho rằng trong quý cuối năm 2024 sẽ phải tăng nhập khẩu gạo để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Cán cân thương mại cho thấy, nếu xuất khẩu gạo đứng trước kỷ lục dự kiến 5 tỷ USD trong năm nay, thì nhập khẩu gạo cũng đối diện con số 1 tỷ USD chưa từng có. 

Theo Thạc sĩ Trần Minh Trí - Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM, điều này không đáng lo ngại. Bởi nguyên nhân xuất phát từ câu chuyện những năm gần đây nông dân Việt Nam đã chuyển sang trồng các loại lúa thơm, lúa chất lượng cao để dùng trong nước và xuất khẩu. Nhập khẩu gạo phân cấp thấp hơn để sản xuất, làm thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Cho nên, kim ngạch nhập khẩu cao hiện nay chưa hẳn là vấn đề quá đáng lo ngại. Điều quan trọng hơn là phải có tầm nhìn dài hạn cho sự tăng trưởng bền vững của hạt gạo - ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. 

Thạc sĩ Trần Minh Trí - Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM

Việt Nam hiện vẫn là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Một thách thức khác đến từ động thái xuất khẩu của các cường quốc xuất khẩu gạo trên thế giới, như Ấn Độ hay Thái Lan. Đơn cử, trước chính sách dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo mới đây của Ấn Độ.

Theo một số doanh nghiệp, nhiều lo ngại cho rằng xả gạo ra Ấn Độ ra thì mình mất thị phần nhưng thực tế thì chất lượng gạo Việt Nam rất cao, giá gạo Việt cũng cao. Thị trường quốc tế cao cấp chuộng gạo Việt vì các nước phát triển đang rất quan tâm đến chất lượng cao, dù giá cao hơn để đảm bảo sức khỏe.

Chưa kể, dù phải cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ tại những thị trường nhạy cảm về giá như Châu Phi, Đông Nam Á và Trung Đông, phân khúc này thực tế chỉ chiếm phần nhỏ trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam. Bởi Việt Nam đang có lợi thế về các giống gạo thơm, gạo chất lượng cao, nhắm vào những thị trường cao cấp, và đã khẳng định được vị trí trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu.

"Chất lượng" - chìa khóa cạnh tranh của hạt gạo Việt và đang được củng cố bằng đề án 1 triệu héc ta lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp, ngày càng được mở rộng tại ĐBSCL. Theo Tiến sĩ Trần Minh Hải - phó hiệu trưởng Trường Chính sách Công và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), với đề án 1 triệu hecta lúa, tới thời điểm này, Bộ NN & PTNT đã triển khai được 7 tỉnh, thành và thu hoạch được vụ thứ nhất, chuẩn bị cho vụ thứ hai.
Hiện tại, người nông dân ĐBSCL cũng đã trang bị trang thiết bị, kỹ thuật để đáp ứng việc sản xuất được gạo chất lượng cao. Cùng với đó là nỗ lực khai thác, tìm kiếm thị trường cuối năm, giúp gạo Việt tiếp tục cạnh tranh duy trì thị phần, khẳng định vị thế, trên bản đồ xuất khẩu gạo toàn cầu. 

Tiến sĩ Trần Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách Công và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT)

Vấn đề quan trọng vẫn là câu chuyện tăng trưởng bền vững của hạt gạo Việt. Bởi thách thức dài hạn chính là bài toán gắn liền với tăng trưởng về chất trong tầm nhìn dài hạn.

>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9

 

Ý kiến của bạn: