(HTV) - Ngày 29/9, lãnh đạo 9 nước Địa Trung Hải và Nam Âu cùng đại diện Ủy ban Châu Âu và Hội đồng Châu Âu đã nhóm họp tại Malta để thảo luận vấn đề người di cư.
Các nước tiếp tục kêu gọi EU thông qua thỏa thuận di cư và tị nạn mới, đồng thời tăng cường biện pháp ngăn chặn dòng người di cư ồ ạt vào Châu lục này thời gian qua.
Thông cáo chung sau cuộc họp nêu rõ những yêu cầu của các nước tuyến đầu và phải tiếp nhận nhiều người di cư nhất, trong đó có Italia cần phải được đáp ứng.
Thủ tướng Italia Giorgia Meloni nói rằng nước này và Malta cùng với các nước mà người nhập cư đặt chân đến đầu tiên là những nước chịu áp lực nặng nhất, vì thế cần có những biện pháp xử lý mang tính hệ thống.
Lực lượng tuần duyên Italia giải cứu người di cư trên biển. Nguồn ảnh: Reuters
Làn sóng người di cư đến đảo Lampedusa của Italia hồi đầu tháng 9/2023 đã làm dấy lên cuộc tranh luận trên khắp EU về việc bên nào sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận người xin tị nạn. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố kế hoạch 10 điểm để giúp Italia giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.
Bên cạnh đó, các nước cũng kêu gọi EU phải tăng cường hoạt động giám sát biên giới, kịp thời ngăn chặn các dòng người di cư và triệt phá các đường dây buôn người vào Châu Âu. Cuộc khủng hoảng di cư sẽ tiếp tục được thảo luận tại các hội nghị của 27 nước Liên minh Châu Âu sắp tới tại Tây Ban Nha.
Báo cáo của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn công bố ngày 28/9 cho thấy, số người di cư thiệt mạng và mất tích khi tìm cách vượt Địa Trung Hải vào Châu Âu đã tăng 33% trong gần 10 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, tính từ đầu năm nay đến ngày 24/9, có hơn 2.500 người di cư thiệt mạng và mất tích trên Địa Trung Hải, trong khi con số trong cùng thời gian của năm 2022 là 1.680 người. Ngoài ra, có khoảng 186.000 người di cư thông qua tuyến đường biển Nam Châu Âu đã đặt chân đến Châu lục này.
>>> Xin mời quý vị đón xem Thời sự HTV lúc 20 giờ và Chương trình Thế giới 24G lúc 20 giờ 30 phút mỗi ngày trên kênh HTV9