Đối phó thuế quan: Doanh nghiệp Việt Nam cần bước đi chiến lược

THANH VÂN - MINH KHOA - THIỆN TÙNG - HOÀNG TÂN - ANH KHUÊ // TRUNG TÂM TIN TỨC HTV 28/3/2025, 13:36

(HTV) – Khi Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục vào Mỹ, việc điều chỉnh thuế quan là khó tránh khỏi. Thay vì chỉ đối phó ngắn hạn, doanh nghiệp Việt đang tìm hướng đi bền vững hơn: đa dạng hóa thị trường, tối ưu chuỗi cung ứng và nâng cao giá trị sản phẩm.

Nhận thức được những thách thức từ sớm, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhiều doanh nghiệp chủ động triển khai các giải pháp, giảm rủi ro, tăng cạnh tranh

Ông Nguyễn Bill - Giám đốc Kinh doanh Công ty Gỗ Cainver, cho biết: “Chúng tôi tập trung vào việc tăng giá trị trong sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh để thích nghi với thị trường. Đồng thời, chúng tôi cũng tìm kiếm các thị trường mới nổi. Đặc biệt, để tránh thuế đối với hàng hóa Việt Nam, chúng tôi nhập nguyên vật liệu trực tiếp từ các đối tác  trồng rừng ở Mỹ.”

Trong khi đó, ngành dệt may cũng đang chuẩn bị các phương án ứng phó với chính sách thuế mới từ Mỹ.

Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), chia sẻ: “Các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị cho mọi kịch bản, kể cả tình huống xấu nhất. Nếu thuế tăng thêm 8-10%, chúng tôi vẫn phải tìm cách thích nghi để duy trì hoạt động sản xuất và xuất khẩu.”

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) ông Vũ Đức Giang, việc giảm phụ thuộc vào một thị trường là yếu tố sống còn: “Có ba vấn đề quan trọng cần xem xét. Thứ nhất, quan hệ chính trị giữa các nước lớn, như Trung Quốc, có thể tác động đến chuỗi cung ứng của chúng ta. Thứ hai, đây là bài học để Việt Nam tìm ra nút thắt trong chiến lược đa dạng hóa thị trường. Thứ ba, quan điểm cứng rắn từ Mỹ buộc chúng ta phải đánh giá lại cách tiếp cận và có chiến lược phù hợp để tránh các bẫy thuế quan.”

Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) Vũ Đức Giang nhấn mạnh, giảm phụ thuộc vào một thị trường là yếu tố quyết định sự sống còn

Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu không chủ động thay đổi, doanh nghiệp Việt Nam có thể gặp khó khăn trước những biến động trong cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM, nhấn mạnh: “Việt Nam cần tăng cường liên lạc với chính phủ Mỹ, thể hiện rõ thiện chí trong việc giảm thặng dư thương mại. Một trong những cách làm là đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng giá trị lớn từ Mỹ, như máy bay, máy móc thiết bị...”

Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa nguồn cung cũng là một hướng đi cần thiết

Tiến sĩ Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), nhận định: “Việt Nam cần giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Thay vào đó, có thể tìm kiếm các nhà cung cấp từ châu Phi, châu Âu hoặc các nước có quan hệ thương mại ổn định với Mỹ để giảm thiểu rủi ro từ căng thẳng chính trị.”

Câu chuyện thuế quan không chỉ là một thách thức nhất thời, mà còn là một thông điệp quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam: muốn phát triển bền vững, doanh nghiệp không thể chỉ dựa vào một thị trường duy nhất. Đa dạng hóa thị trường, tối ưu chuỗi cung ứng và nâng cao giá trị sản phẩm chính là những con đường giúp doanh nghiệp Việt trụ vững trước sóng gió thương mại toàn cầu.

 

Ý kiến của bạn: